Bú sữa bình là nguyên nhân hỏng răng sớm?
Mới đây, trên mạng xã hội facebook chia sẻ một thông tin khiến cho các bà mẹ nuôi con nhỏ không tránh khỏi “sốc” về sự thật của những chiếc răng sâu. Theo đó, một bác sĩ tại phòng khám đã khuyến cáo một bà mẹ có con khoảng 2-3 tuổi về nguyên nhân răng con bị sâu là do bú sữa bằng bình.
Nguyên nhân được lý giải, do bú sữa bình vào ban đêm kéo dài là nguyên nhân khiến cho răng đứa trẻ bị ăn mòn hết, không nhai được tốt và đau răng… Sau đó, vị bác sĩ này khuyên mẹ đứa trẻ cần phải nhanh chóng cai bú bình cho con để răng của trẻ không bị hỏng thêm và có thể hồi phục được.
Bú sữa bình không phải là nguyên nhân sâu răng, thói quen ngậm sữa và đi ngủ luôn mới là thủ phạm.
Vị bác sĩ này cũng chia sẻ thêm, trẻ nhỏ sau 1 tuổi phải chuyển sang uống qua ly, 18 tháng nên bỏ hẳn bình sữa để bảo vệ răng tốt và để kiểm soát lượng sữa không quá nhiều.
Sau cùng facebook các nhân này chia sẻ thêm: “Con nít Việt Nam lệ thuộc bình sữa và sữa công thức sau 1 tuổi còn nhiều quá! Hội chứng răng bú bình phổ biến quá trời! Nhìn đau lòng quá! Phụ huynh vui lòng ghi nhớ để đỡ đi bác sĩ nha! Phòng bệnh hơn chữa bệnh các bạn ạ!”
Theo bác sĩ nha khoa Hồ Mộng Thùy Dương trước tiên chúng ta cần phải hiểu vì sao trẻ bú sữa bình lại bị sâu răng? Nguyên nhân sâu răng ở đây là trẻ bú sữa bình vào buổi tối và ngậm luôn đi ngủ. Nghĩa là trẻ sẽ không súc miệng hay đánh răng, nên đường có trong sữa sẽ làm cho răng bé bị sâu, sún.
“Trong nha khoa có một thuật từ tên là “Đa sâu răng do bú bình”, nhưng không phải để chỉ bú bình là nguyên nhân gây sâu răng. Thuật từ này để chỉ những bé thói quen ngậm bình sữa vào buổi tối và đi ngủ luôn.
Sâu răng do bú bình gặp trở trẻ nước ngoài, hàng loạt trẻ đã bị sâu răng do ngậm bình sữa đi ngủ.
Trẻ bú sữa một chút một sau đó ngưng và chìm vào giấc ngủ mới sâu răng kinh khủng. Còn nếu trẻ bú bình 1 – 2 phút là hết thì không khác gì uống bằng ly, cốc”, bác sĩ Thùy Dương nói.
Ngay cả trường hợp trẻ không bú bình uống sữa vào buổi tối và ngậm sữa thì nguy cơ sâu răng vẫn cao.
“Như vậy trẻ uống bằng ly, cốc, bình nếu không đánh răng thì vẫn có nguy cơ bị sâu răng”,bác sĩ Thuỳ Dương khẳng định.
Nếu như trẻ bú sữa bình, ly, cốc sau khi bú hết đánh răng hoặc súc miệng trước khi ngủ sẽ không bị sâu răng.
Ở Việt Nam theo như quan sát của bác sĩ Thùy Dương rất nhiều trẻ nhỏ ngậm cơm cũng bị sâu răng, chứ không riêng gì ngậm sữa. Do cơm có một lượng đường nhất định tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và phá hủy cấu trúc của răng và gây tổn thương răng.
Răng sâu có thể hồi phục được hay không?
Trong trường hợp trẻ đã bị sâu răng dù cai bú bình thì răng cũng không thể hồi phục được.
Bác sĩ Thuỳ Dương cho biết: “Do răng bị sâu là một tổn thương không thể hồi phục được của răng. Răng chỉ hồi phục được khi chưa có tổn thương trên bề mặt của răng. Lúc này trong nước bọt của con người có các thành phần tái khoáng hóa bề mặt men răng”.
Những tổn thương này thường rất khó có thể nhìn bằng mắt thường. Còn khi tổn thương có thể quan sát thấy bằng mắt thì lúc đó răng không thể phục hồi được.
Để bảo vệ răng cho trẻ bác sĩ Thùy Dương lưu ý khi trẻ bú sữa, nước trái cây bằng bình, ly, cốc thì nên súc miệng bằng nước lọc. Để nước sẽ làm trôi sữa, nước trái cây còn đọng lại trên bề mặt của răng.
Đặc biệt, trước khi trẻ đi ngủ cần phải kết thúc tất cả các thức ăn trước khi đánh răng. Khi trẻ đã đánh răng thì không ăn thêm gì.
“Với bé chưa tới độ tuổi đánh răng, khi kết thúc thời gian uống sữa trước khi nên cho bé chơi khoảng 15-20 phút hoặc uống nước để cho nước bọt trong miệng tiết ra trẻ nuốt vào. Nhờ vậy, trẻ sẽ giảm được lượng sữa có trong miệng và trên bề mặt răng”, bác sĩ Thùy Dương cho hay.
Lưu ý đánh răng đúng cho trẻ nhỏ như sau:
1. Chọn kem đánh răng có fluoride và được ADA approved.
2. Bàn chải lông mềm, thay mỗi 4 tháng.
3. Đánh răng nhẹ nhàng, không dùng lực quá mạnh.
Cách đánh răng như sau:
Bước 1: Súc miệng với nước để loại bỏ lượng acid còn lại trong miệng, giảm tác hại mòn răng. Cách này giúp bạn có thể đánh răng ngay sau khi ăn.
Bước 2: Lấy kem đánh răng vừa phải, cỡ hạt đậu đen. Đánh mặt nhai trước, rồi mặt trong, sau đó đến mặt ngoài. Đánh răng khoảng 2 phút. Nhổ sạch kem đánh răng.
Bước 3: Dùng máy tăm nước hoặc chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
Bước 4: Súc miệng lại với nước cho hết các kết tủa mảng bám, rau thịt sót lại lẫn trong kem đánh răng.
Bước 5: Súc với nước súc miệng có fluoride, mùi thơm nếu muốn. Nước súc miệng không nên dùng thường xuyên nhất là có các thành phần Chlohexidine gây mất cân bằng PH môi trường miệng, gây khô miệng.
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.
Theo Trithuctre