Chiều 4/7, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nêu lại thông tin về việc Big C Việt Nam cho biết tạm dừng mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo: “Bộ Công thương làm rõ việc Big C có sự phân biệt đối xử hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ của chúng ta hay không? Trước đây, chúng ta đã cảnh báo việc này rồi”.
Còn trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 3/7 các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều thông tin ngừng hàng dệt may của nhà cung cấp Việt Nam vào Big C.
Do đó Bộ Công Thương đã mời đại diện Tập đoàn Central Group (Thái Lan) làm việc trực tiếp.
“10h sáng nay, chúng tôi cùng nhiều đơn vị của Bộ làm việc với Tổng Giám đốc Central Group, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan làm việc tại cuộc họp này”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Hải cho biết, Bộ Công Thương đánh giá cao việc Big C và trực tiếp là Central Group với những đối tác như Nguyễn Kim và Lan Chi Mart đã tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều lao động. Central đóng góp 1.000 tỷ đồng, riêng Big C đóng góp 500 tỷ đồng thuế.
“Central Group đang xác lập lại hệ thống cửa hàng cần thời gian nhất định, chính vì vậy họ tạm dừng mua hàng của một số doanh nghiệp Việt Nam.
Việc tạm dừng có thể diễn ra trong 15 ngày, việc dừng là tạm thời. Central có 4.000 nhà cung cấp trong đó 200 nhà cung cấp dệt may”, ông Hải thông tin.
Nêu quan điểm của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hải cho biết, việc giải quyết của Big C với 200 nhà cung cấp về mặt hàng may mặc trước hết là việc của doanh nghiệp và phải giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký và phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
“Một mặt hết sức hoan nghênh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI, mặt khác bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông nói thêm, Big C cam kết mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp Việt Nam, trong 10 ngày tới làm việc với các nhà cung cấp Việt Nam, 2 tuần hoặc ít hơn 100 nhà cung cấp nữa sẽ tiếp tục được mở đơn hơn.
“Còn lại 50 nhà cung cấp của Việt Nam sẽ được làm kỹ hơn về việc doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký và Central khẳng định tuân thủ đúng nội dung tinh thần hợp đồng đã ký giữa Central và các nhà cung cấp”, Thứ trưởng Hải nói thêm.
Theo lãnh đạo Bộ, buổi làm việc này cũng có đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội và Central ký biên bản nguyên tắc 2 bên có sự hợp tác, nếu doanh nghiệp Việt Nam có vấn đề tương tự, Hiệp hội giải quyết phục vụ lợi ích của doanh nghiệp.
Trước đó, trong thông báo ngày 2/7, Tập đoàn Central Group Thái Lan – công ty sở hữu chuỗi bán lẻ siêu thị Big C Việt Nam cho biết tạm dừng mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.
Cụ thể, thông báo nêu rõ: “Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019”.
Đồng thời, kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, Big C cho biết ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam.
Tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7/2019 sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại.
Ngoài ra, thông báo từ Big C gửi tới các đối tác đang cung ứng hàng may mặc Việt Nam cũng giải thích, “việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central Group Thái Lan”.
Thông báo phát đi chiều 3/7, Big C khẳng định “việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam sẽ không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam”.
“Thông báo tạm ngừng nhập hàng may mặc được gửi đến khoảng vài chục nhà cung ứng trên tổng số 200 đối tác cung cấp hàng may mặc cho Big C”, đại diện truyền thông Big C Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng thông tin rằng, “Big C Việt Nam đang phát triển các thương hiệu mới” và “đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp”. Do đó, Big C Việt Nam đã và đang thực hiện quá trình phát triển này trong chuỗi bán lẻ của mình và áp dụng cho ngành hàng may mặc.
Vì vậy, Big C Việt Nam đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.
Theo Trithuctre