Sự nghiệp rất quan trọng nhưng…
Một buổi trưa mùa hè nắng nóng tại hành lang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, rất đông người nhà của bệnh nhân đã tìm cho mình một chỗ ngả lưng nghỉ trưa. Một người đàn ông đứng lặng lẽ hướng mắt qua khung cửa kín, phía ngoài hành lang ngắm nhìn vợ ngủ.
Người đàn ông đó là anh Phạm Trung Tâm (45 tuổi, Hà Nội). Đã 7 năm nay anh kiên trì cùng vợ bám trụ bệnh viện để chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Anh Tâm đôi mắt nhìn xa xăm vào khoảng không gian, như để giấu đi những giọt nước mắt có thể rơi ngồi xuống.
Anh Tâm nói: “Giai đoạn này là khoảng thời gian thực sự khó khăn với hai bố con tôi. Cả hai bố con phải sống “gấp” ăn nhanh, làm việc nhanh… để nhanh vào bệnh viện, vì sợ vợ tôi có thể ra đi bất cứ lúc nào”.
Bệnh ung thư vú của vợ anh Tâm đã tiến triển tới giai đoạn cuối.
Vợ anh chị Trần Thị Cẩm Bào phát hiện ung thư vú cách đây 7 năm. Thời điểm đó, anh đang đi công tác tại Đà Nẵng chị gọi điện thông báo với anh “em bị ung thư có di căn hạch rồi”. Nhận thông tin vợ mắc bệnh như sét đánh ngang tai, anh Tâm không còn tâm trí làm việc bắt máy bay ra Hà Nội.
“Khi tôi nhìn thấy vợ, hai vợ chồng tôi chỉ biết ôm nhau và òa khóc. Thời điểm đó tôi hoàn toàn không có kiến thức gì về căn bệnh ung thư vú, cho nên biết vợ mắc bệnh tôi đã rất bàng hoàng, lo lắng. Tôi nghĩ mắc ung thư chỉ sống được thời gian rất ngắn.
Sau đó, tôi cũng bình tình lại để tìm hiểu về căn bệnh của vợ mắc. Khi hiểu hơn về nó tôi cảm thấy yên tâm, vững vàng để động viên vợ chiến đấu bệnh tật”, anh Tâm chia sẻ.
Sau cả tháng trời chờ đợi, vợ anh đã có thể lên bàn mổ phẫu thuật. Ngồi chờ đợi vợ phẫu thuật anh đứng ngồi không yên, nhưng khi vợ ra khỏi phòng mổ với một nụ cười tỏa nắng, anh thấy hạnh phúc vô cùng. Dù anh biết 2 vợ chồng anh sẽ còn hành trình hóa chất và xạ trị phía trước.
Từ bỏ tương lai thăng tiến lui về chăm vợ
Anh và con luôn cố gắng hoàn thanh nhanh mọi công việc để vào viện với chị.
Đối với bất kỳ người đàn ông nào sự nghiệp đều có vai trò rất quan trọng, anh Tâm cũng vậy. Trong công việc anh cũng luôn cố gắng để chứng tỏ mình, khi vợ ốm anh đang giữ vai trò quản lý tại một công ty về thiết bị ô tô. Nhưng vợ mắc bệnh nặng anh cũng không muốn để vợ một mình.
Theo anh Tâm vợ anh mắc phải thể bệnh ác tính và hiếm gặp trong ung thư vú. Bác sĩ tư vấn cho anh chị Bào chỉ có thể sống thêm được 2-3 năm sau phẫu thuật. Để có thể bên cạnh vợ nhiều hơn, chăm sóc được cho vợ anh Tâm đã xin nghỉ việc.
Anh Tâm chia sẻ: “Sự nghiệp với người đàn ông là quan trọng, nhưng có sự nghiệp mà không có gia đình thì còn bất hạnh hơn. Bác sĩ có chia sẻ thời gian sống của vợ tôi không còn nhiều, nên tôi muốn thời gian vợ còn sống ở bên và nâng bước cho vợ”.
Tại thời điểm đó tài chính của gia đình anh không được dư giả, anh Tâm cũng xác định để chữa bệnh cho vợ phải bán nhà, thậm chí đi vay mượn anh cũng chấp nhận. Anh có lòng tin công việc, tiền bạc nếu có sức khỏe sẽ làm được.
Anh nghỉ việc mất gần 1 năm để ở bên cạnh chăm sóc vợ. Sau khi đi làm lại anh Tâm không còn làm việc với vai trò là một quản lý mà chỉ là nhân viên bình thường, nhưng điều này không khiến cho anh tiếc nuối.
Gia đình anh Tâm đã có khoảng 2 năm ngắn ngủi sống bình yên khi căn bệnh ung thư của chị Bào được kiểm soát. Đến năm 2016, chị Bào bị tái phát bệnh, ung thư di căn xương. Hai vợ chồng anh chị lại bước vào cuộc chiến sinh tử chống lại căn bệnh ung thư.
Năm 2017, anh Tâm nhận thêm tin dữ bố ruột bị mắc ung thư đại trực tràng. Cùng một lúc bố, vợ đi điều trị ung thư một thời gian đi làm của anh thì ít tới bệnh viện thì không đếm hết. Đầu năm 2019, vợ anh bệnh chuyển biến nặng anh Tâm đã xin nghỉ việc để toàn tâm chăm sóc cho vợ.
Một lúc phải đóng 2 vai bố và mẹ
Cuộc sống của anh Tâm khi vợ bị bệnh đã rẽ sang một ngã khác, anh thay đổi hoàn toàn sống nghĩ cho vợ con hơn, thu mình về gia đình hơn. Những thú vui vô bổ: rượu, bia, tụ tập bạn bè… của anh trước kia thay bằng những công việc gia đình.
Anh Tâm tỷ mỉ khi chăm sóc vợ.
Cũng như bao người đàn ông khác điểm yếu nhất của anh đó là chuyện nấu ăn, nhưng từ khi chị đi viện anh đã bắt đầu phải học.
“Bình thường vợ tôi làm tất cả mọi việc trong gia đình. Vợ bị đau ốm, con nhỏ nên tôi cũng phải nấu cơm, rửa chén. Tôi còn nhớ lúc đầu rửa bát nghe tiếng chân hàng xóm sang nhà chơi là tôi vội vàng buông bát, chạy vào giả vờ ngồi máy tính hoặc ra nằm xem ti vi.
Lúc đó, trong tôi vẫn có một chút gì đó sĩ diện của người đàn ông, sợ hàng xóm gắp gặp nghĩ thế nọ, thế kia. Rồi khi mọi việc trở lên quen thuộc hàng ngày thì tôi thấy nói hết sức bình thường việc hết”, anh Tâm chia sẻ.
Trong suốt 7 năm vợ đi điều trị bệnh, anh Tâm đã làm tròn cả hai vai trò mẹ và bố đối với bé Cẩm Anh (12 tuổi) cho con ăn, đưa đón con đi học, cho con ngủ…
Anh tâm sự: “Cách đây vài tháng cháu dậy thì lần đầu tiên có kinh nguyệt, dù trước đó cháu đã được mẹ dạy, nhưng cháu khá lúng túng và hoảng. Tôi đã phải trấn an cháu, giải thích cho cháu hiểu đó chỉ là chuyển rất bình thường. Sau đó, tôi đã đi mua băng vệ sinh, dạy cháu cách vệ sinh, dạy cháu cách đóng băng”.
Và giờ đây khi bệnh chị đã nặng anh cũng không giấu con, anh đã chuẩn bị sẵn tư tưởng cho con.
Đã có lúc người đàn ông mạnh mẽ cảm thấy cô độc
7 năm chị mắc bệnh, anh Tâm luôn đồng hành cùng vợ nhưng chưa bao giờ có cảm giác mệt mỏi hay muốn buông bỏ cho số phận. Trong 7 năm đó, điều mà anh Tâm cảm giác đó là sự đơn độc.
Ánh mắt người đàn ông 45 tuổi hướng qua ô cửa kính nhìn vợ đầy trìu mến rồi quay ra nói tiếp: “Với tôi và bé Cẩm Anh sau này mẹ cháu có mất thì hình ảnh mẹ cháu vấn luôn sống mãi với hai bố con. Tôi sẽ gói nụ cười của vợ để khi khó khăn, gặp trở ngại gì trong cuộc sống tôi sẽ nhớ nụ cười đó để có đủ mạnh mẽ để vượt qua”.
Cuộc sống của gia đình anh Tâm trong 7 năm qua dù chị mắc bệnh nhưng gia đình và các thành viên xích lại gần nhau hơn, quan tâm không thể thiếu nhau 1 ngày.
“7 năm nay tôi chưa ra khỏi Hà Nội, vì tôi sợ nếu đi công tác, du lịch vợ có vấn đề gì trước tiên là khổ vợ sau đó là tới mình. Tôi cảm giác mình đang sống như một người tu hành không ham bạn bè, toàn tâm toàn ý bên vợ”, anh Tâm nói.
Rồi anh tâm nhớ về những ngày đầu tiên 2 vợ chồng quen nhau. Cái cách mà hai vợ chồng anh Tâm đến với nhau cũng rất kỳ lạ qua sự bắc cầu của một người nước ngoài.
Lúc đó, anh Tâm có nhận dạy thêm tiếng Việt cho một người Trung Quốc (bạn ở cùng với chị Cẩm Bào). Lần đầu tiên anh gặp chị đến đón bạn, anh đã “sốc” vì chị khác hẳn so với những người phụ nữ Huế khác.
“Tôi nghĩ phụ nữ Huế phải nữ tính, thướt tha, hiền thục nhưng lần đầu gặp Cẩm Bào tôi lại thấy hơi cá tính. Nhưng sau nhiều lần nói chuyện tôi lại thấy quý Cẩm Bào, cô ấy là người rất nhiệt tình, cởi mở, chân tình“, anh Tâm xúc động chia sẻ.
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.
Theo Trithuctre