Ai lên Tây Bắc mùa này sẽ được ngắm hoa ban trắng trời tinh khiết, hệt như lạc vào tiên cảnh. Cách đây hơn 60 năm, chỉ núi đồi Tây Bắc mới có “nàng” ban. Loài hoa nhẹ nhàng mang trong mình 2 màu sắc đặc trưng. Hoa ban tím nở ra tím ngát, đậm hơn bằng lăng. Màu hoa thanh tân, hồn nhiên nhưng dáng hoa khá sang trọng, “vương giả”. Hoa ban trắng cánh nở trắng muốt, trong hơn cả bạch ngọc. Thứ sắc trắng đơn sơ mà hồn nhiên vô tỷ.
Năm 1960, người Hà Nội đưa hoa ban xuống núi. Trên vùng đất đồng bằng, loài hoa thiên nhiên toát lên vẻ đẹo kiêu sa, dịu dàng. Mỗi mùa xuân đến, sắc ban theo mây trời rực rỡ khắp phố phường. Người Hà Nội đi giữa mùa xuân, dưới bóng ban, mà lòng cảm thấy hồn nhiên, an lạc đến lạ.
Từ loài hoa của núi rừng, ban xuống phố, làm nặng tình mảnh đất đồng bằng.
Cứ độ cuối tháng 2, đầu tháng 3, Hà Nội chào đón “nàng” ban – loài hoa nhẹ nhàng, đằm thắm và son sắt.
Loài hoa trinh bạch, hồn nhiên
Ở Hà Nội, nhắc tới hoa ban, người ta gọi mặt điểm tên những con đường quen thuộc. Bắc Sơn, Hoàng Diệu, Nguyễn Du, Trương Hán Siêu, Điện Biên Phủ, Trần Phú,… ban khoe sắc với trời, dịp mùa về cuối tháng 2, đầu tháng 3.
Cây ban có một sức sống bền bỉ tuyệt vời. Là thân mộc nhưng cành nhánh của nó khẳng khiu, qua mùa đông trụi hết lá, dồn nhựa vào thân rồi đợi xuân sang ấm áp đâm chồi nảy lộc trở lại. Cứ đến hẹn, dù đồi cao hay vách núi cheo leo, mầm non lại trỗi dậy, hừng hực sức sống. Có lẽ vì vậy, từ lâu, loài cây này đã được coi là biểu tượng của núi rừng Tây Bắc.
Hoa không có hương nhưng có vị, thanh thanh ngọt ngọt. Mỗi bông gồm 4-5 cánh, nhị màu hồng, gân màu tím. Người dân tộc Thái Tây Bắc có món ăn truyền thống là nộm hoa ban.
Hoa ban nở, những con đường đẹp thêm với màu trắng hoà tím hồng vô ưu, trinh bạch, hồn nhiên.
Mùa này, ban đẹp dịu dàng từng góc phố Hà Nội. Công viên Lenin ngập tràn sắc hồng của ban và màu trắng tinh khôi của sưa.
Từng góc phố nên thơ mỗi độ ban về. Từ lâu, thứ hoa núi rừng vốn hợp với tiết trời Hà Nội.
Dàn ban khiến lòng người mê mẩn, dừng chân chụp vội một tấm.
Có lẽ, trắng và tím là 2 màu đặc trưng nhất của “nàng” ban.
Hoa ban biểu tượng cho sự thủy chung và sắt son
Ngày xưa, vùng Tây Bắc có một người con gái tên Ban. Nàng xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai Mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho một chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Chê Khum nghèo, cha Ban gả nàng cho con trai tạo Mường (người đứng đầu bản)- một gã vừa gù vừa lười biếng.
Thấy cha cùng nhà tạo Mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng.
Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống núi chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân Mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho hoa tình yêu chung thuỷ.
Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết…
Thành thử, hoa ban đẹp, trong veo như những người con gái Thái dịu dàng duyên dáng ê ấp sau chiếc váy truyền thống vậy.
Cánh hoa trắng mướt, tinh khôi, như tấm lòng của người con gái Thái.
Ban về, cảnh trời Hà Nội thêm “thơ” biết bao nhiêu.
Có chút hồng của ban, chút vàng của lộc vừng và chút xanh của bầu trời.
Đâu đó, ban nép mình dưới những tán sưa.
Người người chụp ảnh với ban. Ai cũng muốn được một lần khám phá Tây Bắc giữa lòng Thủ đô.
Ban trên cây và những nhành hoa nhẹ nhàng, vương vấn dưới chân người.
Hà Nội 12 mùa hoa, xin dành riêng tháng 3 của khung trời này cho “nàng” ban duyên dáng.
Theo Tri Thưc Trẻ