Vào tối mùng 1 tháng 3 vừa qua, đêm nhạc Ánh dương mùa xuân đã diễn ra tại Hà Nội để chào mừng ông Kim Jong Un (Chủ tịch Triều Tiên). Rất ít nghệ sĩ được biểu diễn tại đêm nhạc này. Họ đều là những nghệ sĩ đến từ các đoàn nghệ thuật, ca múa nhà nước và được tuyển chọn khắt khe.
Hồng Nhung, tuy là một ca sĩ tự do, nhưng vẫn được chọn để hát tăng ông Kim Jong Un ca khúc Hạ Trắng. Điều này cho thấy, cô phải có một giọng hát và kĩ thuật, cũng như lối thể hiện sân khấu vô cùng đẳng cấp, đủ để khiến ông Kim Jong Un phải vỗ tay thán phục.
Lối hát của gái Hà Nội gốc, trân trọng và nâng niu tiếng Việt
Hồng Nhung sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hà Nội, nơi hội tụ của tinh hoa, khí chất đất thủ đô qua hàng trăm năm văn hiến.
Gia đình cô có truyền thống trí thức và sở hữu nền tảng văn hóa – giáo dục tốt, với ông nội là họa sĩ Lê Văn Ngoạn; ông ngoại là nhà ngôn ngữ học Đới Xuân Ninh; bố là dịch giả Lê Văn Viện.
Được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục tốt, đậm tính tri thức nên từ nhỏ, Hồng Nhung đã thấm nhuần cái cốt cách thanh lịch, tao nhã của người phụ nữ Tràng An. Không những vậy, cô còn học rất giỏi và được dạy dỗ sâu sắc về văn học.
Nhờ đó, Hồng Nhung sớm mang trong mình cái nét văn hóa, tâm hồn và cảm nhận đúng chất tri thức Hà Nội trước 1954 (không lai tạp).
Điều này thể hiện rõ nhất qua cách ăn nói của Hồng Nhung. Cô phát âm rõ tiếng, rành mạch, từ tốn, ở mỗi câu chữ đều có trầm bổng đan xen, đưa đẩy thanh điệu rất uyển chuyển, mềm mại. Âm sắc giọng Hồng Nhung lúc nói rất thanh nhã.
Hồng Nhung được biết đến là người hoạt ngôn vì ngôn từ của cô rất phong phú, diễn đạt mạch lạc nhưng dí dỏm, tự nhiên duyên dáng, giàu hình ảnh. Bởi vậy, trong mọi show diễn, cô đều đứng ra đảm nhận phần giao lưu với khán giả thay cho những ca sĩ hát chung.
Có lần Hồng Nhung làm show chung với Thanh Lam, khán giả đã nói: “Thanh Lam chỉ cần hát, không cần nói, nhưng Hồng Nhung thì phải vừa nói vừa hát“. Sức hấp dẫn của Hồng Nhung không chỉ đến từ giọng hát, mà còn ở cả cách nói chuyện.
Chính nền tảng văn hóa và cốt cách như vậy đã giúp Hồng Nhung có được lối hát tròn vành, rõ chữ nhưng lại bay bổng, đúng giọng Hà Nội thanh lịch.
Hồng Nhung hát lúc nào cũng tách bạch rõ từng tiếng chứ không líu díu, dính chữ vào nhau. Khẩu hình của cô phát âm âm nào tròn âm đó, /o/ ra /o/, /a/ ra /a/, không đãi chữ, bè chữ cộng minh như Thanh Lam hay dính chữ như Phương Thanh.
Lối phát âm độc đáo là điểm mạnh lớn nhất của Hồng Nhung, khác với nhiều ca sĩ khác. Cô liên tục mở khẩu hình dọc nhưng mọi âm tiết đều được xử lý tròn vành, rõ chữ.
Ngoài việc phát âm, nhả chữ, lối hát của Hồng Nhung cũng chan chứa cảm xúc và tâm hồn người Hà Nội. Nếu ví giọng hát là một không gian nghệ thuật, thì không gian trong tiếng hát Hồng Nhung là không gian Hà Nội. Trong đó là mùi đất, vị cốm, hương hoa sữa và cái gió se lạnh chỉ Hà Nội mới có.
Nếu ai từng nghe bản thu Hướng về Hà Nội của Hồng Nhung lúc trẻ, sẽ thấy rõ tâm hồn, khí chất Hà Nội trong đó. Nhiều người nghe xong còn mường tượng ra từng con phố, gánh hàng rong, tiếng tàu xe, nói cười và đầy đủ thanh âm Hà Nội.
Hồng Nhung hát Nhớ về Hà Nội trong bản thu âm đầu tiên
Bởi vậy, ca sĩ Hà Anh Tuấn mới nói: “Khi ấy tôi còn bé, chưa bao giờ ra Hà Nội, nhưng lúc nghe bài hát tự nhiên thấy yêu Hà Nội quá.
Nói hơi văn chương thì Hồng Nhung đã đem cả Hà Nội vào trong giọng hát, thể hiện đúng chất Hà Nội gốc, nhẹ nhàng sang trọng, sâu sắc tinh tế. Điều đấy không phải ai cũng làm được. Tôi đã bị chinh phục.
Cũng có thể lý giải, vì quá yêu cách hát của Hồng Nhung nên tôi có chịu ảnh hưởng.
Nhưng không hẳn ảnh hưởng là giống y hệt, mà tôi chỉ học từ chị cách trân trọng tiếng Việt để phát âm tròn vành rõ chữ, và cách trân trọng nâng niu một ca khúc. Nói là ảnh hưởng về tư duy âm nhạc thì đúng hơn“.
Chính vì thế, việc lựa chọn Hồng Nhung hát trước ông Kim Jong Un hoàn toàn có lí do của nó, dù cô thể hiện một sản phẩm mang điệu Blues/Jazz chứ không phải nhạc truyền thống dân tộc. Chỉ Hồng Nhung mới hát tiếng Việt trọn vẹn và có hồn đến vậy.
Tiếng hát đậm hồn Hà Nội này của Hồng Nhung đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ ca sĩ sau này. Ca sĩ Tùng Dương từng nói: “So với Thanh Lam, Mỹ Linh và Hà Trần thì Hồng Nhung là người tôi nghe nhạc từ thuở bé.
Tôi nghe Hồng Nhung hát trên radio nhiều như ca khúc “Nhớ về Hà Nội”, “Lời của gió”…
Đó là một trong những ca sĩ, ngày bé tôi rất thích và thường đứng trước gương tập hát giọng giống hệt chị“.
Làn hơi khủng khiếp và những kĩ thuật phức tạp
Sở hữu một nửa tố chất của nữ trung nên quãng trầm của Hồng Nhung khá tốt. Các nốt trầm được Hồng Nhung sử dụng để tạo nên lối hát tự sự, nhả vào các con chữ giúp tăng thêm chiều sâu cho câu hát, nên rất có cảm xúc, chứ không phải sự phô diễn quãng giọng đơn thuần.
Lõi âm thanh của Hồng Nhung rất dày, khỏe và chắc chắn. Từ thời trẻ, khi giọng còn sáng, cô đã có thể belt quãng trung vang dội, dày cộp. Càng về sau này, quãng trung của Hồng Nhung càng rền, âm lượng lớn và có tính hùng tráng.
Hồng Nhung có thể thực hiện những dòng legato đầy ma mị trên half voice, pianissimo, fortissimo… ở những bài Smooth Jazz/R&B. Hồng Nhung từng khiến khán giả vô cùng kinh ngạc khi đang phiêu một đoạn nhạc bỗng chuyển sang pianissimo nhỏ li ti và dài hơi không thể tin.
Hồng Nhung thực hiện pianissimo trong Giọt nắng bên thềm
Điều này cho thấy, Hồng Nhung có cột hơi vô cùng vững chãi và khả năng điều khiển làn hơi tốt. Hát to thì dễ, nhưng đang to mà chuyển qua nhỏ li ti như Hồng Nhung thì ở Việt Nam không nhiều người làm được.
Do chăm chỉ luyện tập yoga, Hồng Nhung có một làn hơi dài và cột hơi chắc chắn. Điều này giúp tạo ra thế mạnh cho Hồng Nhung ở những quãng dài bất tận, biến nó thành đặc trưng riêng của cô.
Có thể nói, Hồng Nhung là nữ ca sĩ sở hữu nhiều long notes nhất nhạc nhẹ Việt Nam. Kỉ lục giữ nốt lâu nhất của Hồng Nhung là 20 giây, ngoài ra còn vô số những long notes dài trên 10 giây. Các long note thường được hát trên quãng belt trung.
Hồng Nhung belt A4 dài hàng chục giây trong Ru em từng ngón xuân nồng
Hồng Nhung có hai cách kéo dài long notes. Thông thường, cô vẫn kèm theo ngân rung (vibrato) như nhiều ca sĩ khác. Nhưng trong nhiều màn trình diễn, cô bỏ đi vibrato, chỉ kéo giọng không, để tạo hiệu ứng và chất riêng cho bài hát.
Nếu không dùng vibrato, rất khó để giữ được nốt dài, nhưng Hồng Nhung vẫn làm được điều đó, nhờ có một cột hơi vững chắc. Đây là lối hát đặc trưng ở Hồng Nhung, ít thấy ở các ca sĩ khác. Và dù phải kéo nốt rất lâu, nhưng Hồng Nhung vẫn giữ được độ chắc, khỏe trong suốt làn hơi đó.
Dù không học về nhạc cổ điển, nhưng Hồng Nhung lại rất phát triển về head voice. Cách vận dụng head voice của cô khá đa dạng, lúc mềm mại, nhẹ nhàng, lúc cao vút, sáng mảnh, lúc lại dày và dựng tiếng đúng màu cổ điển.
Hồng Nhung hát aria Voi Che Sapete
Hồng Nhung cũng từng khiến khán giả phải bất ngờ khi hát nguyên một aria cổ điển của Mozart bằng head voice.
Ngay từ thập niên 90, Hồng Nhung đã biết vận dụng những lối hát hiện đại của âm nhạc quốc tế vào nhạc Việt, với những kĩ thuật mới như melisma, vocal runs, để tạo nên các cách hát ngẫu hứng, có ảnh hưởng tới nhạc Việt sau này.
Ngoài ra, Hồng Nhung cũng biết vận dụng những cách hát nảy âm, đổ chữ trong âm nhạc truyền thống của dân tộc vào nhạc nhẹ.
(Còn tiếp phần 3…)
Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:
– Note khá trầm: C2/C#2, D2/D#2, E2. F2/F#2, G2/G#2, A2/A#2, B2.
– Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.
– Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.
– Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.
– Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.
– Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).
– Vibrato: Ngân rung.
– Piano: Hát nhỏ giọng vừa phải.
– Pianissimo: Hát rất nhỏ giọng.
– Diminuendo: Hát nhỏ dần.
– Fortissimo: Hát to dần.
– Subito piano: Hát nhỏ đột ngột.
– Subito forte: Hát to đột ngột.
– Forte piano: Hát to nhỏ liên tiếp.
– Messa di voce: Hát nhỏ – to – nhỏ liên tiếp.
– Airy voice: Âm hơi.
– Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.
– Falsetto: Giọng gió.
– Head voice: Giọng đầu.
– Chest voice: Giọng ngực.
– Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.
– Strain: Hát căng thẳng.
– Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.
– Staccato: Hát ngắt.
– Trillo: Rung láy.
– Legato: Hát liền giọng.
– Voice project: Phóng âm.
– Mask resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng mặt.
– Head resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng đầu trán.
– Throaty: Hát dính cổ
– High larynx: Cao thanh quản.
– Melisma: Luyến láy trên nhiều cao độ khác nhau (thường là từ cao xuống thấp).
– Run/riff: Chạy note phức tạp.
– Glissando: Hát vuốt tốc độ nhanh.
– Phân loại giọng theo ngũ cung: Giọng thổ, giọng thủy, giọng hỏa, giọng mộc, giọng kim.
Theo Trithuctre