Bà Hứa Thị Phấn, 72 tuổi, bị xác định nâng khống giá trị nhiều bất động sản để bán cho chính ngân hàng mình làm chủ tịch, chiếm đoạt 1.300 tỷ.
Nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) Hứa Thị Phấn – tức Sáu Phấn, vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Khoản 4, Điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), gây thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng cho Ngân hàng Đại Tín.
Bị cáo buộc vai trò đồng phạm là 3 người cháu của bà Phấn: Huỳnh Thị Xuân Dung, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Phạm Hồng Hảo và Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ), Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Lam Giang).
Động thái này nằm trong tiến trình mở rộng điều tra đại án Ngân hàng Đại Tín. Số tiền hơn 1.300 tỷ đồng bị cáo buộc chiếm đoạt lần này nằm trong tổng số 12.000 tỷ bà Phấn gây thiệt hại cho TrustBank.
Bà Phấn trong phiên toà xét xử ông Phạm Công Danh nhiều năm trước. Ảnh: Q.T |
Theo nội dung vụ án, năm 2007 bà Phấn đại diện nhóm Công ty Phú Mỹ (gồm Công ty đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 người trong gia đình) mua gần 85% cổ phần Ngân hàng TrustBank, giữ chức vụ Cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị.
Năm 2010 TrustBank có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỷ đồng, do ông Hoàng Văn Toàn làm Chủ tịch HĐQT và Trần Sơn Nam làm Tổng giám đốc. Tuy nhiên, họ chỉ là người quản lý, điều hành trên danh nghĩa. Còn bà Sáu Phấn do nắm hầu hết cổ phần nên thao túng mọi hoạt động của ngân hàng, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Hội đồng đầu tư, Ban điều hành cán bộ, nhân viên hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang…
Kết luận điều tra xác định, bà Phấn chỉ đạo HĐQT, Hội đồng đầu tư bất động sản của Trustbank đầu tư vào 4 dự án của Công ty Phú Mỹ; Công ty CP địa ốc Lam Giang; Công ty TNHH Phú Mỹ (do bà Phấn làm chủ). Tiếp đó, bà này cùng nhiều người thân tại các công ty sử dụng thông tin thẩm định giá thiếu căn cứ, nâng khống giá trị 4 bất động sản.
Bà Phấn tiếp tục chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành Trustbank mua lại các bất động sản với lý do “mở rộng hệ thống hoặc đầu tư bất động sản” với tổng giá trị hơn 660 tỷ đồng, trong khi Trustbank đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định.
Kết quả thẩm định giá cho thấy các bất động sản này chỉ có giá hơn 220 tỷ đồng. Hành vi của bà Phấn và đồng phạm khiến Trustbank thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng và đến nay 4 bất động sản chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng.
Theo cơ quan điều tra, ngoài việc đầu tư trái pháp luật vào 4 bất động sản, bà Phấn còn rút tiền ngân hàng sử dụng mục đích riêng, gây thiệt hại thêm 900 tỷ đồng. Hành vi của nhóm bà Phấn là nguyên nhân làm thực trạng TrustBank năm 2011 và 2012 rất xấu, bị Ngân hàng Nhà nước xếp loại D (loại yếu kém). Từ đó ảnh hưởng một phần khiến VNCB (tiền thân là TrustBank, do Phạm Công Danh mua lại) đổ vỡ, buộc Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng để gánh toàn bộ hậu quả
Ở giai đoạn một của vụ án, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, hạch toán thu khống của bà Phấn và đồng phạm gây thiệt hại tổng cộng hơn 6.360 tỷ đồng của Trustbank. Những sai phạm khác của bà Phấn và đồng phạm gây thiệt hại hơn 5.600 tỷ đồng được tách ra thành 3 vụ án.
Trong phiên xử cuối tháng 5/2018 của TAND TP HCM, bị cáo Phấn không có mặt do mất 93% sức khỏe nhưng có 4 luật sư bảo vệ. Bà Phấn được cho là bị bệnh huyết áp cấp độ ba và tiểu đường tuýp II, trong tình trạng tỉnh táo nhưng thỉnh thoảng mới tiếp xúc được.
HĐXX sau đó tuyên phạt bà Phấn 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn); buộc bồi thường hơn 16.700 tỷ đồng.
Bản án này sau đó được TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên.
Quốc Thắng – VNexpress