Câu chuyện về một bà cụ ở tuổi gần đất xa trời cứ cách vài bữa lại khệ nệ mang một ít trái cây từ Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu lên Sài Gòn để bán cho khách qua đường đã trở nên quen thuộc với người dân sinh sống quanh khu vực ngã tư Phan Văn Trị – Nguyễn Thái Sơn (trước cổng Vincom Gò Vấp).

Cụ bà 90 tuổi bán trái cây trước cổng Vincom và câu chuyện ấm lòng của người Sài Gòn: Mua chẳng cần lựa, gặp cụ là dúi tiền cho thêm - Ảnh 1.

Gánh trái cây ít ỏi của cụ Hai được mang từ Bà Rịa – Vũng Tàu lên Sài Gòn mưu sinh.

Hình ảnh cụ Hai “trầu cau” hơn một năm nay đã trở nên quen thuộc với những ai đi ngang qua Vincom Gò Vấp.

Bà là bà Hai “trầu cau”, năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn phải chạy vạy, kiếm từng đồng để trang trải cho cuộc sống mưu sinh. Sở dĩ bà có cái tên bà Hai “trầu cau” vì trước kia bà bán trầu cau ở chợ quê rồi chẳng biết tự bao giờ nó trở nên thân thuộc mỗi khi nhắc đến bà.

Dưới ánh đèn sáng chói của trung tâm thương mại sầm uất, bà Hai vẫn ngồi bệt một góc trên vỉa hè, đưa đôi bàn tay co rúm sửa soạn lại mấy nải chuối, trái đu đủ để bắt đầu mời khách ghé mua.

“Ở đây người ta thương bà, họ ghé lại mua, bà cảm ơn nhiều lắm”, siết chặt đôi bàn tay nhăn nheo, cụ Hai cười móm mém cho biết dù có 2 người con trên và dưới 50 tuổi nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, người con đầu lại bị tâm thần nên bà phải tự mình bươn chải để kiếm sống. “Bà già rồi, đâu thể nào phiền con, phiền cháu”, giọng bà nghẹn lại.

Cụ bà 90 tuổi bán trái cây trước cổng Vincom và câu chuyện ấm lòng của người Sài Gòn: Mua chẳng cần lựa, gặp cụ là dúi tiền cho thêm - Ảnh 3.

Nụ cười hiền hậu của cụ Hai trò chuyện với mọi người.

Ngoài chuối, đu đủ thì gánh hàng hôm nay của cụ còn có thêm bưởi.

Lúc trước theo bà Hai, một tuần bà lên Sài Gòn từ 2-3 lần nhưng dạo gần đây vì sức khỏe không cho phép nên cả tuần bà mới lên lại. Phần vì đểcó tiền mua thuốc men, lo cơm ngày ba bữa, phần vì bà nhớ cái sự nồng hậu của những người Sài Gòn, những người con, người cháu không quen biết niềm nở ghé lại mua giúp gánh trái cây của bà.

“Mấy năm kia bà bán ở bến xe miền Đông nhưng giờ ở đó người ta không cho bán nữa nên bà mới qua đây. Bà chỉ bán vào buổi tối, mọi người thương bà già cả nên để cho bà bán. Bà bán xoài, đu đủ, chuối, bưởi… nhiều người ngộ lắm, mua trái cây của bà mà không có chịu cân, cứ lấy đại rồi dúi tiền vào tay bà”, nói đoạn, bà Hai chỉ vào đống trái cây tâm sự.

Cụ bà 90 tuổi bán trái cây trước cổng Vincom và câu chuyện ấm lòng của người Sài Gòn: Mua chẳng cần lựa, gặp cụ là dúi tiền cho thêm - Ảnh 5.

“Chẳng cần hỏi giá cũng không cần cân ký, cứ thấy cụ Hai bán là chị tìm đến mua ủng hộ”, một người khách chia sẻ.

Thấy cụ Hai già cả nên rất nhiều người đã tìm đến ủng hộ, mua giúp cụ một ít trái cây.

“Bà mua trái cây ở dưới quê, họ gói lại xong gửi lên Sài Gòn cho bà để bán. Mỗi ký bà lời vài ngàn đồng thôi. Trời nắng thì bán được nhiều chứ trời mưa trái cây rất dễ hư… cũng may trời thương, hơn một năm nay có nhiều người ghé đến mua trái cây để ủng hộ bà”.

“Trái cây của ngoại Hai không còn được tươi, có những quả rách vỏ, chuối chín quá nhưng chị nào có quan tâm, cứ đi ngang mà thấy ngoại bán là ghé vào ủng hộ, nhiều lúc nhìn ngoại Hai mà cứ nghĩ đến bà mình… Nếu còn sống, bà cũng bằng tuổi ngoại Hai”, chị Võ Hạ Nhi (24 tuổi, ngụ Gò Vấp) vừa mua trái cây vừa rưng rưng nước mắt.

Cụ bà 90 tuổi bán trái cây trước cổng Vincom và câu chuyện ấm lòng của người Sài Gòn: Mua chẳng cần lựa, gặp cụ là dúi tiền cho thêm - Ảnh 7.

Cụ Hai cho biết nhờ có sự ủng hộ của mọi người, thời gian gần đây cụ bán trái cây cũng nhanh hơn.

Nhiều người còn đến trò chuyện với cụ cả buổi tối để cụ không buồn mỗi khi lên Sài Gòn.

Nắm chặt đôi bàn tay run run của bà Hai, chị Nguyễn Bảo Phương (27 tuổi) xúc động: “Trái cây bà nhìn vậy nhưng ngon lắm, do trọ gần đây nên mỗi lần đi làm về mà thấy bà bán là chị ra phụ. Ngồi nói chuyện với bà cho bà vui, khi nào bà bán xong thì phụ bà dọn dẹp, chị coi bà như ngoại của mình, thương lắm”.

Dù cuộc sống mưu sinh vất vả khi bắt đầu công việc từ 18h đến 22h tối nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ để bà Hai lo trang trải tiền ăn uống và gom góp để mua thuốc men. Thương bà cụ ở cái tuổi xế chiều vẫn miệt mài mưu sinh, một người gần khu vực đã cho bà Hai tá túc qua đêm sau khi bán xong trái cây.

Ăn vội tô cơm mang theo, bà Hai cố nheo mắt nhìn về hướng dòng người tấp nập qua lại, giọng trầm buồn. “Bà chỉ sợ một ngày nào đó không còn sức khỏe, đổ bệnh thì không biết làm thế nào. Giờ con cái cũng khổ, mình đâu thể phiền được. Giờ còn đi bán được ngày nào bà sẽ đi để không phiền con cái”.

Cụ bà 90 tuổi bán trái cây trước cổng Vincom và câu chuyện ấm lòng của người Sài Gòn: Mua chẳng cần lựa, gặp cụ là dúi tiền cho thêm - Ảnh 9.

Bữa cơm vội của cụ Hai mỗi tối cho kịp giờ ra bán trái cây.

“Có cái cậu kia lâu rồi qua mua trái cây cho bà, cậu mua xong rồi biếu bà mấy chục ngàn rồi bảo sẽ đưa bà lên mạng, bà sẽ bán đắt hơn mà bà có biết mạng là gì đâu. Nhưng công nhận cậu ấy nói đúng thiệt, giờ bà bán được nhiều người mua hơn”, bà Hai nghĩ lại chuyện cũ, cười tít mắt.

Nhờ mạng xã hội, những buổi tối ít ỏi lên Sài Gòn của bà Hai để bán trái cây đã không còn cô độc như trước, nhiều người biết đến và sẵn sàng dang rộng vòng tay để giúp đỡ bà. Hình ảnh một bà cụ còng lưng, chậm chạp, trên tay cầm bát cơm đang còn lở dở ngồi bên góc đường để bán trái cây mãi in đậm trong trí nhớ của những người qua lại góc đường Phan Văn Trị.

Dừng chân lại gánh hàng rong của cụ, lấy một ít trái cây, chẳng cần trả giá mà dúi vào tay cụ thêm ít đồng bạc là cái cách mà những người xa lạ dành cho nhau. Có lẽ họ vừa nhìn thấy ở bà Hai đâu đó có hình ảnh của một người mẹ, người bà của mình…

Cụ bà 90 tuổi bán trái cây trước cổng Vincom và câu chuyện ấm lòng của người Sài Gòn: Mua chẳng cần lựa, gặp cụ là dúi tiền cho thêm - Ảnh 11.

Có lẽ Sài Gòn trở nên ấm áp hơn nhờ những cử chỉ ân cần mà mọi người dành cho nhau.

Đống trái cây của bà Hai cứ thế vơi dần đi nhờ sự sẻ chia, ủng hộ của những người khách qua đường. Nụ cười hạnh phúc hiện lên trên khuôn mặt của bà Hai hay những cái siết chặt tay, lời hỏi han sức khỏe ân cần của những người khách dừng lại. Chưa bao giờ niềm vui lại hiện rõ lên khuôn mặt của cả người bán lẫn người mua như vậy nhờ sự thơm thảo, ấm nồng của Sài Gòn.

Theo Tri Thức Trẻ