Cụ thể, lệnh cấm vận sẽ đóng băng tất cả các tài sản của chính phủ Venezuela và các thực thể liên quan, cấm giao dịch kinh tế với quốc gia này trừ trường hợp được miễn trừ cụ thể. Các miễn trừ bao gồm giao dịch của chính phủ liên bang và giao dịch liên quan tới việc cung cấp cứu trợ nhân đạo.
Lệnh cấm vận đã đánh dấu một sự leo thang mới trong các biện pháp được Mỹ áp dụng nhằm vào chính phủ Venezuela từ khi cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị gây ra biến động lớn đối với tình hình kinh tế và xã hội nước này.
Trong lá thư gửi tới Quốc hội vào tối ngày 5/8 (giờ Mỹ), ông Trump tuyên bố: “Tôi đã quyết định rằng việc chặn đứng hoàn toàn tài sản của chính phủ Venezuela dưới quyền điều hành bất hợp pháp của ông Nicolas Maduro là cần thiết. Caracas cũng đã liên tục tìm cách cản trở Tổng thống Lâm thời Juan Guaido và Quốc hội Venezuela được bầu một cách dân chủ.”
Tình hình chính trị phức tạp ở Venezuela đã bắt đầu có chiều hướng xấu đi sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời. Mặc dù nhiều quốc gia – bao gồm Trung Quốc và Nga – bày tỏ sự ủng hộ lớn với ông Maduro, ông Trump vẫn cho rằng ông Juan Guaido mới là lãnh đạo hợp pháp.
“Là cơ quan pháp lí hợp pháp duy nhất của chính phủ được bầu lên bởi người dân Venezuela, Quốc hội Venezuela đã áp dụng hiến pháp đất nước để tuyên bố ông Nicolas Maduro không có quyền điều hành, và vì thế đất nước này thiếu một vị lãnh đạo. Người dân Venezuela đã dũng cảm phản đối ông Maduro, yêu cầu tự do và pháp trị,” ông Trump nói trong bài tuyên bố công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela.
Cấm vận Mỹ đã được áp dụng với công ty dầu mỏ quốc gia Venezuela, khiến sản lượng dầu xuất khẩu sụt giảm nhanh chóng và gây biến động lớn tới thị trường dầu mỏ toàn cầu.