16 năm sau tai nạn nghiệt ngã cướp mất bàn tay phải, Nguyễn Ngọc Hồng Nhung vừa chạm vào một cột mốc khác của cuộc đời khi chuẩn bị trở thành tân sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II TP.HCM.
Chỉ còn lại tay trái, Hồng Nhung vẽ hành trình học tập của mình với 12 năm liền là học sinh giỏi – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Đó là một ngày cuối tháng 10 năm 2006, Hồng Nhung học theo ba ép nước mía cho khách. Cô bé Nhung khi đó chừng 3 tuổi đã sơ ý để cánh tay phải của mình bị cuốn vào máy ép nước mía. Do không được ngắt điện kịp thời, bàn tay phải của bạn gần như bị nghiền nát.
Chuỗi ngày khó quên
Ấy cũng là chuỗi ngày không bao giờ quên được với bà Võ Thị Lợi (mẹ Nhung). Bà nhớ rõ lúc ấy chừng 9h30, đang đi bán vé số gần nhà thì nghe tiếng la thất thanh của con gái. Hình ảnh đầu tiên bà Lợi nhìn thấy là cô con gái bé bỏng đang lịm đi cạnh vũng máu. Vốn bị suy tim, bà cũng ngã quỵ, trên tay còn nguyên cọc vé số dày cộm vừa nhận từ đại lý. “Chỉ kịp nhìn thấy bàn tay phải của con bê bết máu rồi tôi ngất luôn chẳng biết gì. Làm mẹ, đau sao chịu thấu”, bà Lợi nhớ lại.
Nghiệt ngã bởi chiếc máy ép nước mía ấy vốn là phương tiện để đôi vợ chồng nghèo mưu sinh. Đó là toàn bộ vốn liếng cả nhà chắt chiu, dành dụm suốt thời gian dài và mới mua chưa tròn năm ngày, nhưng nó bỗng chốc hóa “thủ phạm” khiến con gái mình tật nguyền.
Dồn hết thời gian, tiền bạc, cả đi vay nợ với ước mong có thể cứu vãn bàn tay cho con gái. Suốt gần cả năm trời đi lại, cũng chẳng nhớ nổi đã đi qua những bệnh viện nào nhưng họ đành bất lực. Nhìn đứa con gái mới hơn 3 tuổi vĩnh viễn mất đi bàn tay phải, đôi vợ chồng trẻ rơi nước mắt, thầm ước có thể chịu thay con.
“Tôi không áp đặt bản thân phải làm bằng được việc này, việc kia nhưng nếu đó là mục tiêu giúp bản thân tốt lên thì khó đến mấy tôi cũng cố gắng”.
_ NGUYỄN NGỌC HỒNG NHUNG _
Cô gái “chim cánh cụt”
Lối cầu thang dẫn lên căn chung cư nép sâu trên đường Chiêu Anh Các (quận 5, TP.HCM) chất đầy ve chai là nơi trú nắng mưa của gia đình Nhung. Gọi là chung cư nhưng thực tế chỉ là một gian phòng do một người dân cơi nới thêm phần sân thượng rồi thương tình cho thuê lại với giá rẻ.
Không gian vuông vức, thẳng tắp từ trước về sau đâu đâu cũng đầy vật dụng được ông Nguyễn Văn Thành (ba Nhung) lượm nhặt, chế tác lại. Phần nền rộng nhất của gian phòng dành làm chỗ ngủ chung cho cả gia đình năm người. Anh trai Nhung vừa tốt nghiệp cao đẳng chưa có công việc ổn định, cậu em trai đang học tiểu học. Bà Lợi vẫn mưu sinh với “nghề” bán vé số. Còn ông Thành bao năm vẫn bám víu nghề thợ mộc.
Cô gái “chim cánh cụt” đang phụ mẹ rửa bát ở cuối nhà. Chốc chốc lại nghe tiếng bát đĩa rơi, mỗi lần như thế Nhung lại cười. Từ ngày rơi vào biến cố, Nhung đã tập cầm nắm mọi thứ bằng bàn tay còn lại nhưng vì thuận tay phải nên nhiều lần vẫn quên lại đưa ra định cầm đồ vật.
Hồi chuẩn bị vào lớp 1, Nhung phải tập mất một năm cho quen với tay trái. Thế mà khi đến trường, cả lớp được cô hướng dẫn dùng tay phải, chỉ mình Nhung buộc phải cầm bút, cầm phấn và viết chữ bằng tay trái khiến cô bé tủi thân, cứ khóc đòi nghỉ học. Khiếm khuyết ấy cũng khiến cô rụt rè hơn trước bạn bè.
Nhưng càng học lên cao, Nhung càng thông minh, nhanh nhẹn hơn. Cô thích các bài tập có tính toán hơn mỗi lần làm văn vì yêu cầu viết nhiều sẽ khó khăn hơn. Dù cầm viết tay trái nhưng Nhung từng là một trong số các học sinh dự thi vở sạch chữ đẹp của trường. “Năm đó thi hình như cũng có giải cao lắm, quá vui vì ai cũng bất ngờ bởi thành viên thi vở sạch chữ đẹp chỉ có một tay”, Nhung cười.
Mỗi vì sao có cách tỏa sáng riêng
Nhung từng tự tập đi xe đạp. Có ngã đau đến mấy vẫn cố dựng xe lên, tập tiếp. Ngày tự làm chủ được chiếc xe đạp, cô đạp một mạch từ nhà đến Trường THPT Thälmann (quận 1). Chưa hết, Nhung phóng xe sang luôn nhà người bạn thân cách đó gần 5km chỉ để khoe mình đã có thể tự đạp xe.
Nếu trước đây Nhung rụt rè bao nhiêu thì giờ cô tự tin bấy nhiêu. Những người thân, bạn bè, thầy cô hầu như ai cũng nhận ra sự lạc quan ở Nhung. Chính cô luôn tự động viên bản thân phải suy nghĩ tích cực, làm điều có ích để những người thân yêu yên lòng.
Tập trung tối đa vào bài giảng của thầy cô trên lớp là cách giúp Nhung không phải thức đêm học bài quá nhiều. 12 năm học, Nhung chưa từng tốn bất kỳ đồng học thêm nào và là học sinh giỏi 12 năm liên tiếp với bộ sưu tập bằng khen, giấy khen các loại. Với điểm trung bình đạt 8,7, Nhung đã đỗ ngành quản trị kinh doanh bằng hình thức xét học bạ.
“Mình nghĩ mọi chuyện xảy ra với ai đó đều là số phận, như việc mình buộc phải cắt bỏ bàn tay phải. Sẽ không có phép màu để đưa bàn tay trở lại, mỗi người là một vì sao và mỗi vì sao đều có cách tỏa sáng riêng”, Nhung tâm sự.
Cô học trò toàn diện
Cô Phương Thảo – giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Nhung – nói chưa bao giờ nghĩ cô học trò của mình là người khuyết tật mà chỉ thấy đó là một học sinh toàn diện, là hình mẫu được nhiều thầy cô giáo chọn làm gương cho học sinh trong trường.
“Mỗi lần gặp Nhung tôi lại có một ấn tượng mới về cô học trò này. Từ học lực, thi đua rèn luyện, tham gia phong trào cho tới phong cách sống của Nhung đều có thể đưa ra làm hình mẫu cho các học sinh khác noi theo”, cô Thảo chia sẻ.