Sản lượng 300.000 tấn tôm sú/năm của Việt Nam là kỷ lục
Phát biểu tại Phiên hiến kế về nông nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Trần Đình Luân – Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, quyết định 79 của Thủ tướng đặt kỳ vọng đến năm 2025 giá trị xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, trong đó 8,4 tỷ USD là tôm thẻ và tôm sú.
“Trong năm 2018 ngành tôm đạt sản lượng 760.000 tấn, trong đó có gần 300.000 tấn tôm sú, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD – đây là sản lượng mà không nước nào đạt được”, ông Luân nói.
Ông Trần Đình Luân – Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT)
Ngành tôm Việt, theo ông Luân, có nhiều lợi thế nhưng đang gặp thách thức lớn về biến đổi khí hậu, muốn tăng diện tích nuôi tôm đòi hỏi đầu tư về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, ngành sản xuất tôm còn nhỏ lẻ, thực trạng này dẫn đến khó khăn trong hội nhập và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Với bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ, liên kết kém, khó khăn về nguồn tôm bố mẹ và cơ sở hạ tầng nên giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh hạn chế”, ông Luân nói.
Do vậy, ông khẳng định liên kết ngành là điều tất yếu, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp.
Khát vốn cho con tôm
Đồng tình với ý kiến của ông Luân, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch công ty Minh Phú cho biết điểm nghẽn lớn nhất của ngành nuôi tôm là sản xuất nhỏ lẻ.
“Như vậy thì không truy xuất nguồn gốc dẫn đến không chứng nhận quốc tế. Đây là những chứng nhận, giấy thông hành để con tôm đi vào các thị trường lớn ở nước ngoài”, ông Quang nói.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch công ty Minh Phú
Ông khẳng định rất hiếm có hộ nuôi nhỏ lẻ nào có khả năng có được giấy chứng nhận, đa chứng nhận. Do vậy, việc hình thành liên kết chuỗi là điều tất yếu của ngành tôm.
Tuy nhiên, biện pháp này cũng không hề dễ dàng. Ông Quang cho biết doanh nghiệp đi mua đất cũng gặp khó, thuê đất cũng không được, thành lập CTCP mà người dân góp đất cũng không xong. Cuối cùng, mô hình doanh nghiệp xã hội có vẻ tạm ổn thì lại vướng Luật Chứng khoán.
“CTCP có từ 100 cổ đông trở lên, vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng bị điều chỉnh theo Luật Chứng khoán do Uỷ ban Chứng khoán phê duyệt. Nhưng doanh nghiệp xã hội thực tế không ràng buộc người tham gia, họ thấy lời thì làm, lỗ thì đi, nếu điều chỉnh theo luật này mỗi lần người vào hay ra đều phải làm tờ trình cho Uỷ ban phê duyệt, nhanh cũng mất 5- 6 tháng, hoặc cả năm. Doanh nghiệp xã hội vì thế cũng thành không được”, ông chủ Minh Phú cho biết.
Do vậy, ông kiến nghị cho doanh nghiệp xã hội trong chuỗi liên kết tôm không bị điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán.
Điểm nghẽn thứ hai là vốn. Khẳng định không sản phẩm nào nuôi trồng có lời hơn tôm, vì hiện nay công nghệ đã có sẵn, chỉ cần 3 tháng là có sản phẩm, lợi nhuận 1 – 1 nhưng ông Quang nhấn mạnh người nuôi tôm rất khó để huy động vốn.
Do vậy, sản lượng tôm hiện chỉ đáp ứng 30 – 50% công suất chế biến, khiến giá tôm thành phẩm tăng, thậm chí gấp 2 lần. “Nếu đáp ứng được 70 – 100% công suất nhà máy, chúng tôi sẵn sàng mua tôm giá cao hơn 40.000 – 50.000 đồng/kg mà vẫn có lời”, ông Quang nói. Ông cũng khẳng định nếu có đủ nguồn nguyên liệu thì chỉ tối đa 2 năm, mục tiêu đạt 10 tỷ USD của ngành tôm theo yêu cầu của Thủ tướng sẽ đạt được.
Để giải được bài toán vốn, Chủ tịch Minh Phú cho rằng quan trọng nhất là phải phát triển các loại hình bảo hiểm nông nghiệp cho tôm. “Chúng tôi sẵn sàng để bảo hiểm có lời, lời tốt để”, ông nhấn mạnh.
“Giờ người nuôi tôm phải vay rất lớn, thậm chí 30 – 50%/năm. Vay chợ đen để nuôi tôm nhưng vẫn có lời”, Chủ tịch Minh Phú Lê Văn Quang nói thêm.
Theo Trithuctre