Số liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính đến ngày 2/9, gần 6 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm cho 5,8 triệu người, tương ứng 83% người trưởng thành tại TP. HCM và 4% trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi.
Theo kế hoạch mới nhất, ban lãnh đạo TP. HCM đặt mục tiêu đến ngày 15/9 sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 34% công dân. Ngoài ra, tỉ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ sẽ nâng dần lên 43% vào ngày 30/9, sau đó là 80% vào ngày 15/10 và cuối cùng là 100% tại thời điểm cuối năm 2021.
Theo VDSC, vaccine chính là chìa khóa để khởi động lại các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, giảm tỉ lệ tử vong là một trong những vấn đề có thể khiến chính quyền thành phố lo lắng nhất hiện nay.
Do đó, sau ngày 15/9, các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19 tại các khu vực có nguy cơ cao có thể được gia hạn và VDSC cho biết họ hy vọng vào việc mở cửa dần các hoạt động kinh tế trong quý IV/2021 khi vaccine đóng vai trò chủ chốt để ngăn chặn bệnh nhân COVID-19 chuyển sang giai đoạn nguy kịch và không cần tiếp cận điều trị.
Làm thế nào để mở cửa lại nền kinh tế là một vấn đề quan trọng khác mà các nhà đầu tư có thể cần phải suy nghĩ trong thời gian tới. “Khi chúng tôi nói về vấn đề dần mở cửa trở lại, chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng của TP. HCM có thể lựa chọn mở cửa nền kinh tế theo từng ngành và lĩnh vực”, VDSC nêu quan điểm.
Cụ thể, những công ty hoạt động trong các lĩnh vực đã được coi là thiết yếu (chế biến thực phẩm, vận tải, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử) sẽ tiếp tục mở lại hoạt động kinh doanh khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Vì hoạt động sản xuất của các công ty FDI và công ty xuất khẩu đóng vai trò nòng cốt đối với nền kinh tế quốc gia, do đó các công ty này sẽ trở thành mục tiêu được quan tâm trong đợt dỡ bỏ phong tỏa đầu tiên.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng các nhà sản xuất có thể không hoạt động hết công suất do các biện pháp kiểm soát an toàn mới (công nhân phải được tiêm phòng, các biện pháp giãn cách xã hội trong nhà máy).
Các hoạt động xây dựng có thể được phép mở lại trong khi phần lớn khu vực dịch vụ (dịch vụ lưu trú và ăn uống, trung tâm mua sắm, giải trí, du lịch) sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, giãn cách xã hội và năng lực khởi động lại kinh doanh sau một thời gian dài đóng cửa.
Điều đáng chú ý là việc mở cửa trở lại sẽ không đồng đều giữa các tỉnh dựa trên tỉ lệ tiêm chủng khác nhau và khả năng kiểm soát dịch của từng tỉnh. Do đó, VDSC cho rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ vẫn ở một mức độ nào đó trong quý IV/2021.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư