Trung thu thời Covid lại nhớ ông nghè trong tiếng cắc tùng dinh

Trong ký ức trung thu của tôi là những ngày mày mò làm lồng đèn, nghe kể chuyện chị Hằng chú cuội, là những đêm được ăn bánh nướng bánh dẻo, xem múa lân, rước đèn và cả lời mẹ dạy chăm học như ông Tiến sĩ giấy bày trên mâm cỗ trông trăng.

Năm nào cũng vậy, từ những ngày cuối tháng bảy âm lịch, khi trăng hạ huyền cứ khuyết dần, khuyết dần cũng là lúc lũ trẻ chúng tôi háo hức bàn nhau chuyện Tết Trung thu. Mấy đứa con gái rủ nhau tập văn nghệ, đám con trai thì hì hụi làm đồ chơi, nào đèn lồng, cù quay, nào bộ trống ếch, xâu hạt bưởi… Rồi thì các chợ, phố Hàng Mã rợp trời những mặt nạ, đèn ông sao và vài thứ đồ chơi khiến đám con trẻ chúng tôi đứa nào cũng rộn ràng. Các cửa hàng cũng đua nhau bày bán bánh nướng bánh dẻo, thứ mà một năm lũ trẻ chỉ được ăn một lần. Có lẽ, Tết Trung Thu là cái Tết duy nhất dành cho cả người lớn lẫn trẻ em mà ai cũng thấy háo hức, trông đợi.

Tết Trung thu ngày ấy mộc mạc nhưng ý nghĩa

Năm xưa, cuộc sống còn thiếu thốn, hàng hóa cũng không đa dạng như bây giờ nhưng gia đình nào cũng cố gắng lo một mâm cỗ đón trăng thật tươm tất. Gia đình nào khá giả thì bỏ tiền mua đồ chơi cho con, không thì bố mẹ và lũ trẻ cùng mày mò tự làm đồ chơi. Nguyên vật liệu được tận dụng từ chính những đồ dùng bỏ đi như vỏ lon sữa, hộp xà phòng, giấy viết cũ… Ấy thế mà mấy đứa con nít cứ háo hức xúm xít bảo nhau làm, rồi thì chạy lăng xăng giúp ông bà bố mẹ bày mâm cỗ, hay hò nhau chơi các trò chơi dân gian như đuổi mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, múa lân sư rồng và hát các bài đồng dao.
Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Tết Trung thu luôn được trẻ con ngày xưa háo hức chờ đón để được rước đèn ông sao. Ảnh: kienthuc.net
Người lớn vừa ngắm nghía lũ trẻ chơi đùa, vừa ăn bánh trung thu và uống một ngụm trà nóng, cùng trò chuyện vui vẻ và ngắm vầng trăng sáng tròn vành vạnh. Trẻ con sẽ được nghe kể về những câu chuyện dân gian chị Hằng chú Cuội, về truyền thống đón trung thu quý báu của dân tộc, là ngày mà lũ trẻ háo hức và đáng mong chờ chẳng kém gì ngày tết âm lịch vì là dịp được mua đồ chơi, được ăn ngon thỏa thích.
Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Những chiếc đèn lồng tự chế bằng vỏ lon sữa cũng khiến lũ trẻ con sướng rơn. Ảnh: kenh14.vn

Trung thu ngày ấy còn phải kể đến thời khắc rộn ràng nhất khi tiếng trống đánh giòn giã của đội múa lân, tiếng trống cắc tùng dinh náo động cả xóm làng. Nhác thấy ông địa cầm quạt là lũ chúng tôi túa ra đường, đứa cầm đèn ông sao, đứa cầm đèn kéo quân, đứa nhà nghèo không mua được đèn thì tự làm đèn lồng bằng vỏ lon sữa bò, thắp nến cây màu đỏ bên trong, đứa đẩy đèn cù kêu lạch cạch, đứa đeo mặt nạ bằng giấy bồi, bâu kín quanh đoàn múa lân, kéo nhau đi khắp xóm làng.

Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Sau màn rước đèn là đến phá cỗ đêm trăng luôn được lũ trẻ con ngóng chờ. Ảnh: baomoi

Chạy đùa chán thì lũ trẻ lại ùa về nhà để cùng cả gia đình phá cỗ trông trăng. Mâm cỗ cơ man nào là bánh nướng bánh dẻo hình con cá, con lợn, nhà nào tỉ mỉ hơn thì tỉa quả, tỉa hoa thành hình các con vật rất sinh động và nhất là em cún lông xù mắt tròn đen nháy được làm từ tép bưởi được đứa trẻ nào cũng yêu thích, trầm trồ. Quà bánh trung thu ngày xưa mộc mạc vậy thôi mà ngon đến kỳ lạ.

Ước nguyện gửi gắm trong những đồ chơi Trung thu

Đường phố lúc đó chưa nhiều đèn điện như bây giờ, cũng chẳng có nhà cao tầng nên mặt trăng dường như cũng sáng hơn, không khí trong lành và ấm áp hơn. Đèn ông sao năm cánh hai màu xanh đỏ thật huyền ảo trong bóng đêm và trở thành linh hồn của ngày trung thu vì nhà nào, dù nghèo hay giàu có đến mấy đều treo nó trước cửa nhà.

Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Trẻ con thích thú những chiếc đèn ông sao 5 cánh tươi màu. Ảnh: baodansinh.vn

Chỉ là vài nan tre với tấm giấy kính màu nhưng chiếc đèn ông sao ấy lại tượng trưng cho sự cân bằng, hòa hợp trong thế giới, xua đuổi ma quỷ, cầu mong sự may mắn, bình an trong cuộc sống…

Những chiếc đèn kéo quân luôn thu hút sự tò mò của đám trẻ với câu hỏi vì sao có người lại chạy được trong chiếc đèn lồng ấy. Và khi lũ trẻ con ngồi ngắm đèn chạy, các ông bà lại ngồi bên thủ thỉ kể về câu chuyện những đoàn quân hùng tráng đi bảo vệ đất nước năm xưa. Chiếc đèn kéo quân được làm cầu kỳ nhất trong các loại đèn lồng trung thu, bởi được ngoài việc tỉ mỉ của việc cắt, ghép, dán thì còn phải tính rất kỹ cho có sự cân bằng giữa các trục để khi đốt đèn, lửa làm nóng không khí, sẽ làm cho đèn quay. Khi ấy mỗi chiếc đèn như một màn diễn rối bóng tự động không cần người điều khiển.

 

Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Đèn kéo quân mang ý nghĩa của sự hiếu thảo, yêu thương gia đình. Ảnh: homegift.vn

Ngoài những chiếc đèn lồng lung linh đầy lôi cuốn ấy thì tôi còn ấn tượng với cả những ông nghèhay ông tiến sỹ bằng giấy bày trên mâm cỗ trông trăng, nhìn vừa là lạ lại hay hay. Khi đó chúng tôi không nghĩ nhiều đến vai trò của ông tiến sĩ này mà chỉ thấy hay hay, lạ lạ và thường tượng tượng thành những nhân vật cho một vở kịch tự sáng tác của mấy đứa nhỏ. Nhưng thực ra, những nhân vật này lại được người lớn rất coi trọng, bởi theo lời bố mẹ tôi dạy, ông Tiến sĩ là biểu tượng của sự giỏi giang, công danh thành đạt. Còn hai ông đánh gậy đi bên cạnh là biểu tượng người bảo vệ, che chở.

Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Gửi gắm mơ ước về một tương lai thành danh đỗ đạt, ông nghè trở thành món đồ chơi ưa thích trong dịp Trung thu. Ảnh : dangcongsan.vn

Tết Trung thu cũng là lúc trẻ bắt đầu cắp sách tới trường, phụ huynh đã gửi gắm vào các món đồ chơi dân gian này với mong muốn con em mình học hành giỏi giang, sau này lớn lên sẽ thành đạt.

Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Ông Tiến sĩ giấy trong Tết Trung thu biểu tượng cho sự ham học của trẻ. Ảnh: langvietonline.vn

Thế nên, sau khi phá cỗ ông Tiến sĩ sẽ được đưa đến trước bàn học của đám trẻ trong nhà để cầu mong cho con học hành thành đạt. Hai ông đánh gậy được treo ở gần cửa sổ hoặc nơi có gió để các ông múa, trước kia thời chiến tranh hai ông múa gươm, nhưng thời bình chúng tôi thay bằng gậy cho các ông múa, thể hiện tinh thần rèn luyện sức khỏe.

Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Hai ông đánh gậy đi bên cạnh là biểu tượng khi con cháu mình thành đạt sẽ có người bảo vệ, che chở. Ảnh : baomoi.vn

Ông tiến sỹ giấy phải qua 25 công đoạn còn ông đánh gậy trông trăng đi kèm phải qua 36 công đoạn. Trong đó công đoạn làm khung và mặt nạ là hai công đoạn mà người làm phải hết sức tỉ mỉ từ việc chọn nguyên liệu và kỹ thuật làm, tùy vào kích cỡ khách hàng đặt mà ông nghè có thể cao từ 80 cm đến 150cm.

Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Làm đồ chơi truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và sự yêu nghề. Ảnh: baomoi

Người giữ hồn Trung thu truyền thống

Vào những ngày kề cận Tết thiếu nhi, trên những phố như Mật Sơn, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên hay xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, lại tấp nập những chuyến xe chở hàng qua lại. Bên trong mỗi cơ sở sản xuất, hàng chục thợ lành nghề miệt mài làm việc. Mỗi người một công đoạn, người tỉ mẩn chẻ, vót luồng cho thành những thanh nhỏ để làm khung; người cắt, dán giấy, vải; người đóng hàng xuất bán… Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân sặc sỡ và bắt mắt xếp tràn từ trong nhà ra đến cửa ngõ chờ được chuyển ra thị trường phục vụ cho mùa Trung thu đang cận kề.

Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Vẫn còn rất nhiều làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống cố gắng giữ hồn Tết thiếu nhi. Ảnh: saigondautu.com.vn

Trải qua không ít thăng trầm, có những lúc tưởng như phải bỏ nghề vì khó cạnh tranh với các loại mặt hàng hiện đại bên ngoài thị trường nhưng những ‘người giữ hồn’ này vẫn quyết tâm bám trụ lấy nghề. Bởi với họ, nghề này không những mang lại cho họ đồng tiền mà còn là cách để họ thể hiện tình yêu, sự trân quý những giá trị truyền thống để chúng không thể mai một theo năm tháng.

Sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống tại những làng nghề diễn ra quanh năm, sau đó sẽ dồn các sản phẩm vào khoảng thời gian gần tháng Tám để có thể kịp sản xuất ra thị trường.Trước kia, những món đồ chơi này đều được làm tỉ mỉ hoàn toàn bằng tay, cực tốn công sức và thời gian, thì nay đã có sự trợ giúp của những chiếc máy cắt, máy tiện giúp giảm được tối đa công sức và năng suất vì thế cũng tăng lên.

Tết trung thu ông nghè và những món đồ chơi truyền thống
Cần vô cùng tỉ mỉ khi làm ra các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống. Ảnh: baomoi

Trong những năm gần đây, người dân Việt Nam cũng như du khách nước ngoài ưa chuộng sản phẩm truyền thống hơn bởi sự đa dạng trong sản phẩm. Nguyên liệu để làm ra những chiếc đèn ông sao hay chiếc trống đều từ gỗ, tre, nứa. Đặc biệt là đồ chơi làm bằng giấy bồi, hồ dán từ bột sắn nên không độc hại, thân thiện với môi trường.

Những người làm nghề truyền thống cho biết những tưởng những món đồ xưa cũ này đã bị mai một và thay thế bằng một loạt những món đồ hiện đại cao cấp khác, nhưng may mắn thay, khoảng 2-3 năm trở lại đây, những món đồ chơi Trung thu truyền thống lại được yêu thích, các bậc phụ huynh cũng hướng con mình tìm hiểu và yêu thích những món đồ cổ xưa, dạy cho chúng biết ngày xưa bố mẹ đã có một dịp Tết trung thu như thế nào. Vì thế, nghề truyền thống làm đồ chơi trung thu ngày một lấy lại vị thế.

Tết Trung thu thời Covid

Trung thu nay cũng đã cận kề, song do dịch bệnh mà cũng có nhiều đổi khác. Trên đường phố đã xuất hiện đèn lồng và bánh trung thu. Nhưng e rằng các hoạt động rước đèn, bày cỗ trông trăng sẽ vắng bóng. Thay vào đó, các gia đình sẽ tự tổ chức riêng tại nhà. Không có tiếng cắc tùng dinh rộn rã, cũng chẳng còn múa lân hay rước đèn, nhưng đám trẻ vẫn háo hức đón chờ ngày Tết thiếu nhi và có lẽ đây cũng là dip thích hợp nhất để các ông bố bà mẹ trẻ hoài niệm cùng con về ngày Tết Trung Thu xưa và nói với con về những món đồ phổ biến năm xưa lại là thứ xa lạ với chúng bây giờ, cũng là dịp để nhắc mình dạy con biết xây dựng ước mơ, sống hoàn thiện hơn.

Thùy Dương

Theo Báo Thể Thao Việt Nam