Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang đẩy mạnh việc trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thiết lập đầu mối và cơ chế hợp tác để trao đổi về các vấn đề còn tồn tại.
Trong đó sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: vi phạm về nội dung (bao gồm cả quảng cáo), phát triển kinh tế và thuế; Chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam như xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật, mở Văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam theo quy định tại Luật An ninh mạng.
Hiện nay, lợi nhuận từ thị trường Việt Nam đem lại cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook và Google vẫn tiếp tục tăng, trong đó không ít nguồn tiền từ Việt Nam chi trả cho các dịch vụ bất hợp pháp như đặt quảng cáo của các thương hiệu Việt Nam gắn trên các video xấu độc, các video có nội dung vi phạm pháp luật, hoặc video quảng cáo tự động có nội dung vi phạm, phản cảm gắn trên các website, báo điện tử Việt Nam.
Việc giám sát và tìm cách ngăn chặn các nguồn tiền để chi trả cho các dịch vụ vi phạm pháp luật qua hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do các quy định điều chỉnh các hoạt động này còn thiếu.
Để từng bước xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật (Fake News) trên nền tảng Facebook, Bộ TT-TT đã đề nghị Facebook triển khai cấp nhanh xác thực (blue tick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng và đồng thời yêu cầu Facebook chỉ được cho phép thành lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó.
Trong nhiều trường hợp, Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết, nội dung vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp. Về việc này, Bộ TTTT đang yêu cầu Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam, trước mắt áp dụng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, và chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được phát sóng trực tiếp (livestream); yêu cầu Facebook phải có chính sách tiền kiểm và gỡ ngay các quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam./.
Đến thời điểm hiện tại, Google đã ngăn chặn hơn 7000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội Youtube, đã gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play; Facebook đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản giả mạo, 2444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc, Apple đã gỡ bỏ 9/15 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore.