Tiết giảm, tái sử dụng và tái chế là giải pháp về môi trường mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đang ứng dụng. Ở nước ta, cũng đã có nhiều sáng kiến tận dụng rác tạo ra vật dụng hữu ích như câu chuyện về “bộ sưu tập túi xách từ 20.000 vỏ mì tôm”.
Anh Lê Quốc Toàn, một thầy giáo dạy Mỹ thuật ở tỉnh Sóc Trăng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất” cho 44 chiếc túi làm từ 20 nghìn vỏ bao mì gói.
Sau sự kiện này, anh đã lập một kênh Youtube giới thiệu và hướng dẫn cách làm để nhiều người cùng thực hành.
Các loại bao bì thực phẩm ở căng tin trường như: mì gói, túi cà phê,… không bán ve chai hay tái sử dụng được lại khó phân hủy, anh Toàn đã thu thập mỗi ngày và nảy ra ý tưởng làm túi sách từ các vật liệu này: “Cũng nhiều cái ngẫu nhiên. Hồi học học kỹ thuật đan cũng đi thực tế làng đan lục bình, thấy đề tài hay. Tôi lấy vỏ bao mì ở căng-tin về làm túi thử thì thấy nó đẹp, màu sắc óng ánh. Sẵn mình làm vậy tái sử dụng rác bảo vệ môi trường luôn”.
Vì bận đi dạy, anh Toàn thường tranh thủ thời gian buổi tối kiên nhẫn ngồi cắt, se sợi, may ráp… Nếu làm liên tục, mất khoảng 2 ngày cho túi nhỏ với 250 vỏ gói mì, 3 ngày cho một túi lớn.
Cô giáo Phạm Phương Chi đã được trải nghiệm sản phẩm cho biết: “Mình cứ nghĩ sản phẩm từ bao mì gói không chắc chắn nhưng khi sử dụng nhiều lần đi tiệc, dự họp, có những lần mắc mưa, sản phẩm vẫn tốt. Sau dự án của thầy Toàn, trường cũng có mở chuyên đề để các em thấy được bảo vệ môi trường như nào”.
Từ năm 2014 tới nay, anh Lê Quốc Toàn vẫn tự sản xuất các mẫu túi cơ bản, sáng tạo các mẫu hộp đựng, bàn ghế từ vỏ mì gói. Mỗi sản phẩm hoàn thiện mang theo tâm huyết của anh về việc giảm rác thải nhựa; để tiết kiệm, tái chế sẽ dần trở thành thói quen tốt của nhiều người.