Tỷ lệ các bệnh nhân điều trị cấp cứu có liên quan đến rượu chiếm số lượng nhiều: ngộ độc rượu, chấn thương, những bệnh lý do rượu gây ra như xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, bệnh lý thần kinh…, các cấp cứu tâm thần như sảng run, tự sát, giết người, đốt nhà.
10 gram cồn tương đương với khoảng 330ml bia hơi với độ cồn 4% tương đương với uống 1 ly rượu vang 13,5 độ bằng một chén rượu mạnh (30ml). Khi cồn đi vào cơ thể, cồn ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể đó từ miệng tới dạ dày, từ hệ tuần hoàn tới hệ tiêu hoá, thần kinh.
PGS Cao Thị Thanh Hương – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thói quen uống rượu bia của người Việt khiến nhiều người lo sợ đặc biệt là rượu bia gây nên nhiều vấn đề cho xã hội từ bạo lực cho tới tai nạn giao thông. Với y tế, rượu bia cũng là một tác nhân gây ra đủ thứ bệnh khác nhau. Một ly rượu đi vào người cõng theo nhiều hệ lụy khôn lường.
Ảnh minh hoạ
Khi vào cơ thể, ban đầu rượu xúc tác ở miệng và tại đây rượu gây ra tình trạng bỏng ở niêm mạc miệng, thực quản nhất là các loại rượu mạnh. Lâu dần, rượu gây ra ung thư khoang miệng, hạ họng, thực quản.
Khi xuống dạ dày, thời gian ở dạ dày cũng đủ khiến rượu ngấm và các phân tử rượu nhỏ bé có thể ngấm qua niêm mạc dạ dày mà không cần tham gia vào quá trình tiêu hóa giống như thức ăn. Khi dạ dày trống rỗng, rượu đi thẳng vào máu.
Đặc biệt, nếu uống rượu khi đói, uống rượu không ăn kèm gây nên tình trạng viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày. Các nghiên cứu chỉ ra rằng rượu ở dạ dày được hấp thụ 80% vào máu và truyền tới hệ tuần hoàn của cơ thể.
Ở hệ tuần hoàn rượu ngấm vào thành mạch gây nên tình trạng da hồng hơn, gây nên tình trạng hạ áp. Các nghiên cứu cho rằng uống rượu tốt cho tim mạch nhưng đó là rượu vang đỏ và với lượng vừa đủ.
Còn uống rượu nghiện mãn tính, cấp tính đều ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn. Nếu uống rượu nhiều và uống lâu dài có thể ảnh hưởng lên cơ tim, từ đó sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, thiếu máu cơ tim, suy tim…
Ở phổi: Rượu nhanh chóng vào phổi ở trạng thái khí sau đó đi vào máu. Rượu cũng làm tăng nguy cơ viêm phổi và ở những người viêm phổi do rượu điều trị rất khó.
Não và gan chịu nặng nề
Tại não, rượu đến não ảnh hưởng nặng nề tới não bộ khiến cho người đó không làm chủ được hành vi của mình. Một số người uống rượu xong cảm thấy hưng phấn, kích thích nhưng uống rượu cũng gây suy giảm trí nhớ, giảm khả năng khéo léo, mất kiểm soát được hành vi của mình.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 75% số cồn ở trong máu đến não. Các tế bào thần kinh rất nhạy cảm trước bất cứ chất độc nào. Cồn cũng là loại chất độc gây những rối loạn trầm trọng đến hoạt động của vỏ não và làm cho vỏ não không còn kiểm soát, điều chỉnh được hoạt động của các trung tâm dưới vỏ.
Rượu có thể làm thay đổi cả bộ não con người
Bác sĩ Huỳnh Xuân Thiện, Trưởng phòng Tổ chức Bệnh Viện Tâm Thần TP.HCM cho biết những người nghiện rượu mãn tính thay đổi dần tính tình, giảm ham thích các hoạt động, các công việc trước đây, mất dần các thói quen tốt; trở nên ích kỷ, tàn ác, nhỏ nhen, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, con cái.
Nhiều người bị sảng rượu đó là tình trạng lú lẫn, mê sảng, không còn nhận thức và môi trường xung quanh.
Ở gan, TS Võ Duy Long – Phó trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết rượu vào dạ dày và hấp thu vào máu, số còn lại hấp thu qua ruột non và khoảng 90% độ cồn được tập trung chuyển hóa ở gan.
Gan có chức năng chuyển hóa rượu thành những acetaldehyde – chất rất độc không chỉ với gan mà còn cả thần kinh, thị giác, dạ dày, đường tiêu hóa… . Vì thế gan chuyển acetaldehyde thành acetate ít độc hơn thải ra ngoài cơ thể.
Nếu uống quá nhiều bia rượu, lượng acetaldehyde sản sinh ra nhiều, cơ thể không đào thảo được ứ đọng ở gan gây tổn thương màng tế bào và gây hoại tử tế bào, xơ gan và dẫn đến ung thư gan.
Không những chỉ ảnh hưởng ở gan mà uống rượu có thể làm hẹp các ống nhỏ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy nên tắc nghẽn, cuối cùng gây ra viêm tụy cấp căn bệnh có thể cướp đi sinh mạng của bất cứ ai rất nhanh chóng.
Theo Trithuctre