“Châu Đốc, 07/04/2007
Vi thương yêu của mẹ!
Hôm nay mẹ viết thư cho con với tất cả nhớ nhung của một người mẹ. Mẹ thường hình dung con gái của mẹ sống ra sao. Mẹ gởi cho con tờ báo mẹ đã photo và cuốn sách “Giận”, con hãy đọc xem, nếu con đọc được, thích thú hay có gì thắc mắc thì trao đổi với mẹ. Đó là bức thư dài mà mẹ gửi cho con, cũng là kênh truyền thông mở ra giữa mẹ và con”.
—-
Làm mẹ khó không?
Khó chứ, bởi người ta thường bảo con hư tại mẹ, chứ chẳng ai đổ con hư tại bố, thế nên làm mẹ vừa phải cứng rắn vừa phải nhu mì để bảo bọc con trên bước đường khôn lớn. Sinh ra làm phụ nữ đã khó như vậy đấy!
Hôm ghé An Giang, tình cờ đọc được những dòng thư tay của cô Nguyễn Kim Loan viết cho con gái trong năm con học xa nhà, dòng chữ mộc mạc mà đong đầy thương yêu bất giác khiến tôi giật mình. Chà, đã bao lâu rồi mình quên đi cách tâm sự với người thân một cách chân thành như vậy. Cuộc sống cứ ngày càng vội vã…
Công việc kinh doanh bận rộn từ sáng sớm đến tối mịt, vô tình đưa cô Kim Loan vào 1 sự lựa chọn không hề dễ dàng: để con đi học xa nhà. Huỳnh Vi (con gái cô Loan) ngày từ nhỏ đã quen với việc cả ngày ở lại nhà cô giáo, đôi khi ngủ lại và không được gặp mẹ. Năm vào lớp 8, Vi được chuyển lên Sài Gòn để học nội trú, cảm giác xa gia đình không còn lạ lẫm nhưng đôi lúc thấy thiếu vắng chút yêu thương của mẹ cha. Thế là cô bạn mè nheo với mẹ: “Mẹ viết thư gửi cho con đi!”
Yêu cầu nghe thương hết sức thương, cô Loan đâu nỡ từ chối. Vậy nên cứ có thời gian rảnh rỗi người mẹ lại viết vài dòng gửi cho cô mèo con tóc dài hay mè nheo của mình.
“Vi yêu của mẹ! Con biết không? Tại con mà mẹ phải làm việc gấp nhiều lần, phải không được lười mỏi. Như chim mẹ phải lao đi kiếm ăn bất chấp cung tên đạn bắn vì những chú chim non đang há miệng chờ ở tổ. Nhưng bù lại mẹ được hạnh phúc, được biết cảm giác làm việc vì người khác, thoát bỏ được tính ích kỷ, lười biếng. Và hơn nữa nhìn con khôn lớn nên người mệt mỏi cũng hoá vui sướng, hân hoan.
Nếu không có mèo cưng thì cuộc đời mẹ sẽ ra sao nhỉ? Buồn tẻ và vô nghĩa phải không?
“À! Có mấy sợi tóc bạc nữa, nó chĩa trắng trợn trước trán, làm xuống cấp nhan sắc của mẹ, nhưng mẹ không dám nhổ, chờ con về nhổ mới “phê”. Chà mẹ nhiều chuyện dữ, viết tới đây rồi.
Trời mưa liên miên vì có bão, con ngủ nhớ đắp mền kỹ, mặc áo ấm vào con nhé! Coi chừng ho, sốt, sổ mũi là không nên đấy. Có gì cho mẹ hay liền nhé!
Con hãy nhớ kỹ một câu: càng thương mẹ chừng nào thì càng lo cho mình chừng nấy, lo ngoan ngoãn học giỏi và lo cho sức khoẻ mình.
Mẹ.”
—-
Vi kể lại ngày đó học nội trú, cả trường chỉ có một chiếc điện thoại để gọi ra ngoài, thế là cà đám học sinh phải xếp hàng để đợi tới lượt gọi về nhà thủ thỉ với cha mẹ. Dù mỗi cuối tuần Vi đều được anh trai đón ra ngoài và gọi về nhà, nhưng lúc nhận được những lá thư tay cảm xúc rất dạt dào. “Mình là đứa duy nhất được mẹ gửi thư trong ký túc xá. Các bạn còn đọc ké nữa mà” – Vi cười khoe.
—
Vi con!
Mẹ gửi cho con báo mẹ photo cho con đọc và chiếc áo gió, tuy hơi muộn nhưng trời cũng còn lạnh…vài ngày nữa. Thấy con ho khù khụ mà lòng không yên (ngày không ngủ được, tối không ăn được). Mẹ ngủ cũng đắp mền, đắp sao nó cũng lạnh, mẹ mặc áo này vào kéo tới tận cổ ngủ rất ngon. Mẹ phát hiện con bị lạnh cổ nên ho, cảm cúm không coi thường được. Con mà cúm… voi thì không hên cho mẹ chút nào.
Mẹ hy sinh chiếc áo chiến nhất cho con đó. Mẹ đang mặc, con có thể ngửi thấy mùi gì không ổn thì đừng thắc mắc nhé, nó bay ra từ chiếc áo đấy. Con xem xem, áo có thêu hình con voi đấy. Con hãy mặc nó trong lúc ngủ… như mẹ đang ở bên con, ôm ấp con và ru cho con ngủ nhé!
Con đừng xúc động đấy, mẹ còn… 5 cái áo gió đẹp hơn thế nữa, không kể áo khuyến mãi vào đâu. Bệnh mua một lố của mẹ vẫn còn hihi
—
Lời tâm sự của mẹ lúc nào cũng pha chút “hề hước” như vậy. Ừ mẹ hi sinh cho con cái áo ấm nhất của mẹ, nhưng con đừng lo mẹ còn 5 cái khác đẹp hơn nữa kìa. Ẩn sâu trong những từ lời nói đùa, là cả tâm tư đầy lo lắng của mẹ, điều đó giúp hai mẹ con gần nhau hơn dù ở cách nhau hàng trăm km.
Hạnh phúc của mẹ là thấy con được hạnh phúc
Dẫu cạnh bên, hay xa cách nghìn trùng
Dẫu mươi năm, hay chỉ còn gần một lúc
Trái tim này vẫn sẽ đập nhịp chung
(Lai Thượng Hưng)
Vi à! Làm bạn với mẹ nhé!
Vi gọi mẹ với biệt danh thân thương là: Chị Mẹ. Bởi hai mẹ con từ lâu đã như đôi bạn tri kỷ. Tôi ngờ rằng đó là cách để mẹ hiểu nhiều hơn về con gái, nhất là ở tuổi mới lớn, tuổi của những nổi loạn mà đôi lúc phụ huynh không thể thấu hiểu con mình.
—
Bây giờ, Vi như một người bạn của mẹ, Vi có thể lắng nghe và thấu hiểu mẹ, coi như phần nào đền bù thiệt hại…mẹ đã lỡ sinh ra Vi. Hí! Hí! Sụ mặt rồi nhé! Mẹ lại đổ bệnh “đá ngược” của châu chấu rồi. Vi à! Vi làm bạn với mẹ nhé! Để có gì buồn mẹ đổ trút vô lỗ tai Vi. Nhưng Vi mà buồn, mẹ trở lại làm mẹ để rầy Vi! Hí hí.
—
Mỗi lần đọc được một trang báo hay, một cuốn sách đẹp mẹ lại nâng niu gửi cho Vi cùng đọc. Với mẹ đó là cách để Vi trưởng thành từng ngày trên hành trình làm người. Mẹ bảo mẹ luôn mong mèo con được hạnh phúc. Có hạnh thì mới có phúc, nên trước tiên con phải rèn luyện những phẩm chất của chính bản thân mình.
—
“Vi à! Chu cha mẹ mỏi tay rồi đấy. Rồi Vi sẽ về với mẹ nhé! Mẹ con ta không còn xa nhau nữa. Mẹ sẽ dành khoảng đời còn lại để nhìn Vi, ở bên Vi, cõng Vi đi vòng vòng hé! Mẹ chải tóc cho Vi, hôn vi không giới hạn thời gian, không gian, he he he!
Mẹ.”
Dẫu một mai chẳng gần nhau nữa
Con yêu ơi, hãy nhớ lấy điều này
Lúc con buồn, trên trời mẹ sẽ thấy
Khi con cười, mẹ sẽ hạnh phúc lây
(Lai Thượng Hưng)
Như lời hẹn ước của hai mẹ con. Sau khi Vi tốt nghiệp đại học trở về nhà, mẹ Kim Loan cũng dần gác lại công việc để dành thời gian cạnh bên con gái, để tỉ tê, để chải tóc cho Vi.
Có lần cô bạn lại mè nheo: “Anh hai cũng được đi phượt hết Việt Nam, mẹ cũng từng ra Bắc rồi, nhưng con chưa được đi lần nào!”. Mè cười hí hí: “Đợi trúng số mẹ dẫn Vi đi”.
Vậy mà chẳng thèm đợi đến khi trúng số, mẹ đã dành dụm được ít tiền, bàn giao toàn bộ công việc kinh doanh cho vợ chồng anh hai, sắm chiếc chiếc xe máy vừa vừa túi tiền rồi hai má con chở nhau đi khắp nước Việt.
“30 năm trước mẹ đã chi ra 1 chỉ vàng để mua 2 chiếc nón bảo hiểm, với mong ước được đi khắp Việt Nam. Nhưng công việc kinh doanh bận rộn, gia đình còn chưa ổn định nên mẹ gác lại giấc mơ thanh xuân của mình” – Vi bảo chuyến đi của hai mẹ con cũng là giúp mẹ hoàn thành ước mơ còn dang dở.
Tháng 9/2017, trên chiếc xe máy nhỏ, con gái chở mẹ đi qua những miền đất mới, đến nơi có Thiền viện thì mẹ con xin nghỉ lại để tu tập ngắn ngày. Vi tâm sự: “Ngoài mục đích cho hai mẹ con có thời gian ở bên nhau sau một khoảng thời gian học xa nhà, thì còn là dịp để mình học về lịch sử, những điều mà trước giờ chỉ học qua sách vở. Đồng thời việc tu tập tại các thiền viện để mình gặp gỡ, gieo duyên với các sư thầy, sư cô trong tông môn để lỡ sau này mẹ có mất đi, thì những lúc gặp phiền muộn, biến cố mình cũng còn nơi để có thể nương nhờ”.
Chuyến đi của hai mẹ con trải qua tháng thứ 2 thì phải dừng lại vì hay tin ông ngoại bệnh. “Lúc đó hai mẹ con đang ở Đà Lạt, thì vội quay về nhà, cứ tưởng là sẽ không có cơ hội để đi nữa. Nhưng thật may mắn là một năm sau ông ngoại khỏi bệnh. Tháng 9/2018, hai mẹ con lại tiếp tục chuyến đi dang dở của mình” – Vi kể lại.
Hai người phụ nữ, một chiếc xe máy rong ruổi cùng nhau suốt 5 tháng trời, có lắm buồn vui mà mẹ con cùng trải qua, có những đoạn đường đèo vô cùng nguy hiểm nhưng họ vững tin với nhau để vượt qua nỗi sợ. Có những hân hoan khi gặp gỡ và kết bạn với nhiều người…tất cả sẽ mãi là kỷ niệm tuyệt vời nhất trong đời của hai mẹ con.
Cũng sau chuyến đi lần đó, mẹ Kim Loan đã từ bỏ hoàn toàn công việc kinh doanh để rời xa những bon chen của người đời. Hai mẹ con tận dụng nhà kho của anh hai để mở ra một homestay nho nhỏ, dựng nên một nơi dừng chân nhiều yêu thương – để những ai đang và sẽ đi dọc Việt Nam có nơi để nghỉ ngơi, như mẹ con cô đã từng.