Là “thuyền trưởng” của một chuỗi cửa hàng hoa nổi tiếng miền Bắc, chị Phượng Krystine Nguyễn là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực xu hướng hoa tươi nhập khẩu hiện đại.
Thành lập năm 2012, thương hiệu Liti Florist của chị Phượng chắc hẳn không còn xa lạ với những tín đồ yêu hoa. Sở hữu 5 cửa hàng, tên tuổi của thương hiệu ngày càng được nâng cấp và trải rộng khi tiệc cưới hay những sự kiện trọng đại của những ngôi sao hàng đầu Việt Nam đều xuất hiện sự hỗ trợ của ‘team’ Liti, có thể kể đến như đám cưới của “đả nữ” Ngô Thanh Vân, Á hậu Phương Nga, sự kiện debut của ca sĩ Mono…
Gặp chị Phượng trong một buổi chiều mùa thu mát mẻ, trong lành, không gian nơi văn phòng của chị có lẽ đều để lại ấn tượng mạnh mẽ cho phần đông lần đầu bước vào, bởi xung quanh ngập tràn hoa và những bức tranh được đấu giá, sưu tầm. Mặc một bộ suit xanh cổ vịt, giữ vẻ mặt điềm tĩnh nhưng bên trong nữ doanh nhân ấy luôn thể hiện một tình yêu sâu sắc với nghề, đặc biệt với những bông hoa.
Chị có ý nghĩ gắn bó với hoa từ khi bắt đầu khởi nghiệp không?
Trước khi đến với hoa, tôi từng trải qua nhiều công việc trong ngành marketing: đầu tiên là vị trí account trong một công ty truyền thông, sau đó chuyển sang vị trí giám đốc truyền thông nội bộ của một ngân hàng, tiếp theo là vị trí giám đốc makerting của một hãng hàng không. Khi mở cửa hàng hoa đầu tiên ở trong ngõ nhỏ, tôi đơn giản chỉ ước muốn được sống với hoa mỗi ngày, có một góc nhỏ xinh để ngắm nhìn và chơi với hoa và bản thân khi ấy vẫn đi làm thuê fulltime. Tôi còn từng nghĩ mình làm hoa chỉ để bán cho bạn bè mình mà thôi.
Ấy vậy mà, khi đứng giữa việc phải lựa chọn hoa nên là một công việc nghiêm túc hay chỉ là một cuộc chơi đơn thuần, tôi nhận ra tình yêu của mình đối hoa lớn nhường nào. Hơn nữa, thị trường ngoài kia ủng hộ thương hiệu của chúng tôi. Thời gian đầu tiên hoạt động, Liti thậm chí đã trúng gói thầu lớn của một tập đoàn nước ngoài; họ còn không ngờ một công ty hoa lại có đầu mối nói tiếng Anh tốt, soạn hồ sơ thầu tốt thế. Thực tế, đó chỉ là những công việc trước kia tôi thường xuyên làm!
Tuy nhiên, không ít người vẫn nghĩ làm hoa chỉ là công việc chân tay. Gia đình có ủng hộ chị “nhảy việc” không?
Tôi rất may mắn vì cả gia đình đều theo nghiệp kinh doanh, bố mẹ hoàn toàn ủng hộ con cái, thích gì hãy làm. Dù có đôi chút đắn đo nhưng tôi chưa từng có ý nghĩ phải sống còn với lần chuyển việc này; tôi nhìn thấy ở xung quanh mình, cũng có anh chị kinh doanh chưa thành công và làm lại từ đầu. Vì thế, nếu thất bại ở cơ hội này, tôi còn nhiều cơ hội khác để thử thách.
Nhưng, nhiều bạn nhân viên của tôi dù rất yêu hoa, có tài năng nhưng ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng bởi định kiến của gia đình: cần kiếm một công việc ổn định. Thú thật, tôi không biết ổn định chính xác là như thế nào? (cười) Công ty của tôi ổn định đấy chứ, 10 năm chưa trả chậm lương một tháng nào, nhân viên làm tốt thậm chí được tăng lương 3 lần trong 1 năm, tất cả đều được đóng bảo hiểm đầy đủ và các quản lí còn được đóng bảo hiểm quốc tế.
Bên cạnh đó, tôi cũng tự hào lắm vì sự tiên phong thành công của Liti đã chứng minh làm hoa cũng là một nghề và đã truyền cảm hứng cho không ít bạn trẻ tự tin lựa chọn làm hoa là ‘business’ cá nhân.
Nhìn lại hành trình đã qua, phải chăng con đường chị đi khá dễ dàng?
Tôi nghĩ Liti cũng gặp những khó khăn như các doanh nghiệp khác thôi, qua từng giai đoạn, như: cạnh tranh (vì có hàng trăm ‘players’ như chúng tôi ở thị trường ngoài kia), con người (chưa hề có một môi trường đào tạo chuyên nghiệp mà chỉ có các trung tâm đào tạo nữ công gia chánh), nguồn hàng (ví dụ ở Ecuador nơi chúng tôi nhập hoa – có thời điểm nhân công đình công nên không tránh khỏi việc không có người hái hoa, vận chuyển lên máy bay), bảo quản hoa tươi (nhưng 10 năm học tập và nghiên cứu, chúng tôi tự tin dự đoán được sản lượng cũng như hiểu từng bông hoa)…
Con đường chúng tôi đi không dễ, chúng tôi đều nỗ lực không ngừng, mỗi năm đều ra mắt các BST hoa. Chúng tôi luôn trang bị kiến thức và sự kiên trì. Nếu hấp tấp, vội vã, hẳn chúng tôi đã không có thành công như bây giờ. Bước đi đầu tiên của tôi khá thong dong, lại không đặt quá nhiều kì vọng. Mình biết kì vọng đúng, mình sẽ không thất vọng. Bởi vậy, để đạt được như bây giờ, tôi thấy chúng tôi xứng đáng chứ không chỉ là may mắn.
Tôi thấy nhiều bạn trẻ tốt nghiệp ĐH, không muốn đi làm thuê, chỉ thích startup. Từng có nhiều người hỏi tôi công thức thành công, tôi đáp muốn xây dựng được một thương hiệu, cần phải có thời gian để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Kể cả làm thuê cho một doanh nghiệp nào đó, các bạn cũng thu nạp được nhiều kiến thức. Chúng ta đi làm không làm vì ông chủ bởi tôi nghĩ mình chính là ông chủ của chính mình!
Có một nhà đầu tư mạo hiểm từng nói với tôi rằng anh ta không bao giờ đầu tư vào một người làm công việc đầu tiên là CEO bởi họ sẽ tạo ra quá nhiều sai lầm trên đường đi. Tôi nghĩ rằng câu này chuẩn, câu nói này không hề đề cập đến tuổi tác nhưng đề cập đến kinh nghiệm. Và kinh nghiệm của bạn đến từ ai hay tự bạn tích luỹ cho chính mình? Tôi nghĩ ít ai có thể tự có kinh nghiệm làm việc mà chưa từng trải qua một môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Thời gian đầu, đơn hàng nhiều, có cả những giai đoạn bùng nổ, nhưng lợi nhuận không cao. Đối với tôi, lần khủng hoảng lớn nhất là khi Liti mới chỉ có 7 nhân sự, mà sau đó có 2 người nghỉ việc, tức là nguồn nhân lực đã bị mất tới 30% rồi. Khi doanh nghiệp phát triển, bản thân mình còn chưa theo kịp, quá non nớt, tâm lí khủng hoảng, loay hoay không biết vận hành công ty cho đúng, thậm chí tôi từng nghĩ tại sao mình đối xử tốt mà nhân viên lại nghỉ, tại sao nghề làm hoa hay như vậy mà bố mẹ em ấy không cho theo… Có nhiều đêm, tôi còn chẳng ngủ được vì lo cho công việc.
Vậy còn khó khăn nào mà chị chưa từng kể trong thời gian đầu lập nghiệp không?
Có chứ, tôi đã phải đấu tranh rất nhiều rằng tôi nên là một nghệ sĩ thiết kế hoa có nghệ danh, đặt mục tiêu trở thành top 1 Việt Nam, sang Mỹ học chứng chỉ danh giá nhất thế giới hay một nữ doanh nhân đi buôn hoa? Bởi hai công việc cần những tố chất khác nhau. Con người bên trong tôi ưa nghệ thuật, thích sáng tạo.
Nhưng, cuối cùng, tôi lựa chọn trở thành một doanh nhân vì nếu chọn là nhà thiết kế thì hoa chỉ của mình tôi thôi. Tôi muốn mang công việc đến cho nhiều lao động, muốn hoa được tiếp cận với nhiều người hơn. Tôi không cần một công ty “siêu to khổng lồ”, tôi muốn một công ty lớn là khi các cộng sự của mình giàu có lên. Bởi tôi luôn quan niệm kinh doanh là chia sẻ, ngay cả các bạn nhân viên chính là những người cộng sự, đối tác với mình.
Luôn bận rộn với công việc như vậy, chị dành thời gian cho bản thân như thế nào?
Một ngày của tôi có lẽ cũng sẽ diễn ra như bao người khác: thức dậy, ăn sáng và uống cafe tại nhà, chơi cùng chó mèo, đi làm, xử lí công việc, sau đó buổi trưa dành thời gian gặp gỡ bạn bè, tới 4 rưỡi – 5h chiều tan làm… Những cốc cà phê buổi sáng giống hay dành những khoảng trống nhỏ ngắm hoa đẹp cũng là cách tôi chọn để xoa dịu, chữa lành tâm hồn.
Hơn nữa, thật may mắn, chồng tôi là người cởi mở, thoải mái, biết san sẻ việc nhà cùng vợ, con gái tôi là một đứa trẻ ngoan ngoãn, thậm chí truyền cảm hứng cho mẹ khá nhiều. Tôi nghĩ, mọi điều may mắn không tự dưng mà có, bởi nhìn lại bản thân, tôi thấy mình là người có hiểu biết, tôn trọng người có cùng hệ giá trị với mình nên chọn được người phù hợp, tôi luôn chú trọng việc giáo dục con, tôi luôn sống tốt, quan tâm tới mọi người xung quanh.
Tôi ngưỡng mộ phong cách Lagom của người Bắc Âu, biết sống đủ để luôn hạnh phúc. Tôi yêu bản thân, tôi không bao giờ để cho bản thân nhếch nhác. Và tôi cũng là người kì vọng vừa đủ, có những bữa tôi nấu ăn rất phức tạp, bày biện chẳng khác gì ăn tiệc, nhưng có những bữa nhanh gọn, cả nhà “gặm” pizza. Chồng và con tôi đều đồng thuận như vậy.
Phải chăng chị đã cân bằng cuộc sống rất tốt?
Đúng vậy, tôi nghĩ rằng mình có thể cân bằng cuộc sống.
Đối với tôi, uống cafe ngon buổi sáng là việc phải làm giống như việc chúc con ngủ ngon mỗi tối, ôm con một cái trước khi đi ngủ vậy. Việc gặp bạn bè cũng là một việc ưu tiên bởi nếu không gặp họ, làm sao mình có những mối quan hệ chất lượng được? Mỗi ngày, mình đều cần cố gắng một chút. Nếu mình lười, cuộc sống chao đảo.
Tôi rất quyết liệt trong việc xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của mình. Tôi ưu tiên những việc tưởng không quan trọng mà lại vô cùng quan trọng và cắt bỏ những việc tưởng quan trọng nhưng cũng bình thường thôi. Tôi quan sát nhiều phụ nữ luôn mệt mỏi vì cuộc sống gia đình, chồng con, bữa nào cũng phải tự tay nấu cơm, nhiều người khác lại quá bận rộn với công việc, đối tác mà quên đi gia đình của mình.
Ở Liti, chúng tôi có “kim chỉ nam” khi làm việc là “khách hàng luôn luôn đúng, có khách hàng là có tất cả, không có khách hàng là không có gì”. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng từ chối những hợp đồng quá gây áp lực cho bản thân và hệ thống vận hành doanh nghiệp của mình. Tôi cũng từng nói thẳng với họ: “Có thêm hợp đồng này, em không giàu lên mà mất hợp đồng này, em cũng không nghèo đi”. Bởi vậy, mới nói, biết cân bằng, tự khắc cuộc sống nhẹ nhàng đi.
Chắc hẳn chị rất hài lòng về cuộc sống hiện tại!
Tôi hài lòng và thấy mình là một người phụ nữ hạnh phúc, may mắn. Mỗi khi có thời gian tịnh tâm, trong tôi luôn đầy sự biết ơn. Tôi khá sợ một cuộc sống tẻ nhạt, không có mục tiêu, tôi nỗ lực làm việc nhưng “chơi” cũng đủ để bản thân không bị mệt mỏi. Các thử thách luôn khiến tôi hào hứng, muốn chinh phục. Với tôi, đó cũng là một kiểu hạnh phúc.
Tôi có những cộng sự tốt và gắn bó. Chẳng hạn, anh shipper của Liti đã làm việc fulltime từ khi cửa hàng mở trong ngõ nhỏ và tôi vẫn còn đi làm ở ngân hàng. Hoặc như bạn phó giám đốc, từng nghỉ một thời gian ngắn để đi tìm một công việc ổn định, sau đó lại trở lại và đã gắn bó đến 8 năm. Tôi luôn cố gắng xây dựng một tổ chức mà tất cả mọi người luôn cảm thấy thoải mái, gắn kết, tin tưởng vào khả năng định hướng của leader.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!