Vi nhựa, những hạt nhựa siêu nhỏ có mặt trên tất cả mọi thứ, đã được phát hiện trộn lẫn trong tuyết ở các vùng xa xôi hẻo lánh nhất của thế giới, trong đó có cả Bắc Cực. Theo đó, trong một nghiên cứu được tiến hành gần đây, người ta tìm thấy hơn 10.000 hạt vi nhựa trong mỗi lít băng ở Bắc Cực, một con số cao đến đáng ngạc nhiên, cho thấy ngay cả những khu vực chẳng ai mò đến trên Trái đất cũng không thể thoát được những vấn đề đang rất nóng liên quan đến vật liệu nhựa mà cả nhân loại đang phải đối phó.
Những mẫu tuyết đã được thu thập từ đảo Svalbard, cũng như các khu vực ở Thụy Sỹ và Đức. Vi nhựa – có nghĩa là những hạt nhựa có kích thước dưới 5mm – được tìm thấy trong rất nhiều nguồn khác nhau, một vài trong số đó có liên quan đến các loại lốp cao su và màu vẽ.
Không như các khu vực trên đất liền, đảo Svalbard khá tách biệt và chủ yếu được bao phủ bởi băng tuyết, khiến các nhà khoa học tự hỏi không rõ làm cách nào mà một lượng lớn hạt nhựa lại xuất hiện ở đây? Nghiên cứu chỉ ra rằng gió có thể đã mang các hạt vi nhựa đến khu vực này. Những hạt vi nhựa rơi ra từ nhiều sản phẩm chúng ta đang sử dụng thường ngày đã bị gió cuốn vào bầu khí quyển, sau đó thả trở lại xuống mặt đất cùng với những cơn mưa hay tuyết rơi.
Đảo Svalbard được mệnh danh là Thủ đô của Bắc cực
Nhiều hạt nhựa được tìm thấy trong tuyết ở Bắc Cực đã trải qua một quãng đường rất dài, đến từ châu Á và châu Âu, gây ô nhiễm cho một trong những khu vực được cho là hoang sơ bậc nhất trên địa cầu. Hiện vẫn chưa rõ những hạt vi nhựa này sẽ gây ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe của những người vô tình đưa chúng vào cơ thể.
Dù trong một số trường hợp, hạt vi nhựa là một sản phẩm được tạo ra để sử dụng trong một số sản phẩm chăm sóc sắc đẹp (các hạt microbead), nhiều trong số chúng là kết quả của quá trình phân rã hoặc hư hỏng của những sản phẩm với kích cỡ lớn hơn rất nhiều. Ví dụ, tàu thủy khi va chạm với băng sẽ khiến những hạt nhựa chứa trong lớp sơn trên vỏ tàu bong ra. Các loại lưới đánh cả bị vứt bỏ, các công-ten-nơ thất lạc, và các sản phẩm khác bị bỏ mặc và phân rã trong môi trường càng khiến vấn để trở nên phức tạp hơn.
(Tham khảo: SlashGear)