Dịch vụ shipper tại 100 thành phố châu Á sẽ phủ cam Hà Nội, chiêu nạp các shipper với thu nhập trung bình tháng 7 triệu đồng.
Theo nghiên cứu của Lalamove, Việt Nam hiện có trên 550.000 shipper, nhưng phần đông hoạt động tự phát và đối mặt rủi ro lớn.
Cụ thể, các shipper vốn quen thuộc với hình thức COD (ship thu tiền hộ) phổ biến. Theo đó, họ ứng trước tiền cho người bán, rồi giao hàng và lấy thanh toán từ khách. Shipper dễ mất tiền mỗi khi giao COD mà khách bỏ trốn.
Phát biểu trong họp báo ra mắt thị trường Hà Nội sáng 3/10, ông Nguyễn Đức Lợi – Giám đốc điều hành Lalamove Việt Nam – nói: “Shipper là một nghề mới ở Việt Nam trong kỷ nguyên thương mại điện tử. Không cơ quan chủ quản, không có tên trong hệ thống nghề nghiệp được nhà nước công nhận, chưa có hành lang pháp lý bảo vệ, các shipper hiện nay hành nghề gặp nhiều khó khăn và rủi ro”.
Đơn vị này vì thế hướng tới phát triển shipper thành một cộng đồng bền vững, đặt mục tiêu 100.000 shipper tại Việt Nam và đem đến thu nhập trung bình 7 triệu đồng mỗi tháng.
Lalamove sẽ duy trì hình thức thu hộ, nhưng hứa bồi thường toàn bộ cho shipper nếu tuân thủ chặt chẽ quy trình mà không gặp được khách.
Giám đốc điều hành Nguyễn Đức Lợi cho biết Lalamove sẽ không cạnh tranh về giá với đơn vị như Grab. |
Lalamove là hãng giao vận công nghệ ra đời năm 2013 có trụ sở tại Hong Kong, hiện có mặt ở 112 thành phố châu Á. Đây chính là startup cuối năm ngoái gọi vốn thành công 100 triệu USD, theo đó được kỳ vọng trị giá tới 1 tỷ USD.
Hiện có 2,5 triệu khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ của họ mỗi tháng. Đối tác doanh nghiệp trên thế giới gồm những cái tên như McDonald’s, Burger King hay IKEA. Lalamove đã gia nhập thị trường Việt Nam một năm trước, đặt chân đến TP HCM tháng 10/2017. Sau khi ghi nhận con số trên 190.000 người dùng tại đô thị này, công ty nhắm Hà Nội làm điểm đến tiếp theo.
Hãng nhìn nhận lợi thế là kinh nghiệm vận hành từ trước ở nhiều thành phố lớn nhưng sẽ kết hợp lắng nghe, học hỏi khi hoạt động ở Việt Nam.
Ông Charles Chamblas – Giám đốc phát triển thị trường của Lalamove – chia sẻ: “Trong một năm làm việc tại TP HCM, chúng tôi hiểu rằng thị trường Việt Nam có nhiều điểm khác biệt và chúng tôi muốn tiến những bước vững chắc”.
Mô hình shipper ‘ruột’
Với mục tiêu định nghĩa lại khái niệm shipper, đại diện công ty khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm không lao vào cuộc cạnh tranh về giá, để đảm bảo chiết khấu cao cho shipper và chất lượng dịch vụ”.
Lalamove tập trung giao hàng nội thành và cho biết đến nay 100% đơn giao dưới 55 phút. GPS định vị được sử dụng để điều phối shipper gần điểm giao nhất, thay vì gộp hàng về kho rồi mới phân phát.
Hãng chọn kết nối trực tiếp khách và shipper, thông qua ứng dụng di động cho hai bên. Dịch vụ thậm chí được cá nhân hóa bằng cách người dùng có thể bình chọn shipper yêu thích, từ đó xây dựng một đội ship “ruột” cho mình. Hệ thống về sau sẽ ưu tiên điều động những người này giao hàng cho họ. Theo đó, chính shipper cũng phải nỗ lực cạnh tranh bằng năng lực và chất lượng dịch vụ.
Những trang thiết bị cơ bản để Lalamove xây dựng shipper thành một nghề toàn thời gian. |
‘Shipper không phải nghề dễ dàng’
Với cách giao duy nhất 1 đơn/1 lộ trình và tận tay, khách của Lalamove không phải đi xuống nhận hàng mà shipper sẽ gửi xe và lên giao tận nhà.
Nhìn nhận chất lượng là khác biệt, công ty cho biết shipper chính là những đại sứ cho họ, vì thế được đầu tư từ trang thiết bị đi kèm đến tác phong.
Ông Philippe Rambaud – Trưởng bộ phận phát triển thị trường Hà Nội – lý giải: “Chúng tôi quan niệm shipper không phải một nghề dễ dàng, nên chắc chắn đào tạo kỹ lưỡng tài xế”.
Giá trị họ hướng đến là kết nối shipper thành một cộng đồng, và hỗ trợ phát triển thành nghề bền vững.
‘Food delivery’ lên ngôi
Theo thống kê từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhu cầu đặt món trực tuyến của người dân Hà Nội và TP HCM tăng vọt từ 30% năm 2017 lên 70% trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, một thực tế mà người dùng “food delivery” phản ánh là đồ ăn đôi khi không còn thơm ngon khi nhận.
Từ đánh giá Hà Nội là địa điểm có nhu cầu “food delivery” rất cao, Lalamove sẽ xây dựng dịch vụ giao vận nhanh và 24/7. Mỗi đối tác shipper của họ được trang bị túi giữ nhiệt chống nước.
Ngoài ra, nhìn nhận “miếng bánh” chuyên chở hàng số lượng lớn, hàng cồng kềnh như đồ gỗ, nội thất, đang bị các đơn vị vận chuyển công nghệ gần như bỏ ngỏ, họ cho biết đó sẽ là lợi thế cạnh tranh của mình. Phương tiện vận tải cũng đa dạng hóa gồm xe máy, ôtô và sau là xe tải.
Tại thị trường Hà Nội, Lalamove ban đầu đặt mức phí 25.000 đồng cho 5 km đầu tiên và 5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Thanh Tùng (Theo Ngoisao.net)