“Khươi quản” – Tục lệ ở rể thú vị của người Thái Tây Bắc

“Khươi quản’ là hình thức ở rể “dự bị” để thử thách chàng rể tương lai, vừa để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ nhà gái.

Từ xa xưa, đồng bào Thái Tây Bắc đã có một phong tục rất độc đáo, đó là “Khươi quản”- ở rể thử thách. Nghĩa là một chàng trai trước khi muốn kết hôn với một cô gái thì bắt buộc phải trải qua giai đoạn thử thách bên nhà gái ít nhất từ một cho đến vài năm.

Ông Cà Văn Chung, người am hiểu văn hóa Thái, hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam hiện đang sinh sống ở bản Nong La, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Khươi quản’ là hình thức ở rể “dự bị” để thử thách chàng rể tương lai, vừa để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ nhà gái. “Người Thái quan niệm, cha mẹ đã có công sinh thành, nuôi dạy con gái trưởng thành thì trước khi đón cô gái về làm vợ, chàng trai phải trả công cho cha mẹ bằng cách ở rể. Thời gian ở rể trong bao lâu là do sự thỏa thuận của hai bên gia đình. Thời gian này, chàng trai và cô gái chưa phải là vợ chồng, chàng trai chỉ được ngủ ở gian khách, tức là “hỏng quản” của nếp nhà sàn truyền thống, nên mới gọi là “khươi quản”. Còn cô gái vẫn có quyền tiếp chuyện các chàng trai khác khi họ đến tán tỉnh” – ông Cà Văn Chung cho biết thêm.

Thời gian ở rể này cũng sẽ được tính vào thời gian ở rể chính thức, nên trong khi chờ đến ngày kết hôn, các chàng trai thường đi “Khươi quản” để sớm được đón vợ về; đồng thời cũng có thời gian để kèm cặp, hiểu rõ hơn về người vợ tương lai của mình. Đặc biệt thời gian này, đôi bạn trẻ chưa được chung sống như vợ chồng để tránh tai tiếng cho cô gái sau này trong trường hợp hai người không thành vợ thành chồng và một số kiêng kỵ nhất định.

“Ngày đầu tiên về nhà gái làm rể, người con rể tương lai phải quỳ lậy bố mẹ vợ, những người lớn tuổi bên họ hàng nhà vợ, để được mọi người chấp nhận coi là thành viên trong gia đình. Hoặc khi mắc lỗi cũng phải quỳ lậy để được bỏ qua. Việc đi lại trong nhà không được đi qua phòng ngủ của bố mẹ vợ, bàn thờ tổ tiên, gian bếp lửa chính của gia đình, không được ngồi ngang hàng với bề trên. Thời gian này, chàng trai vẫn có quyền đi lại, ngủ nghỉ cả hai bên gia đình, chứ không nhất thiết phải ở luôn bên nhà gái”- Ông Tòng Văn Hịa, người am hiểu văn hóa Thái, cũng là người cao tuổi ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã cho biết cụ thể hơn những điều chàng trai phải thực hiện khi “Khươi quản” bên nhà gái như vậy.

Sau thời gian kiên trì “Khươi quản”, có thể là một năm, hai năm, khi gia đình nhà gái thấy thực sự ưng ý, thì sẽ cho phép nhà trai mang đồ lễ về tổ chức đám cưới và khi đó mới chính thức trở thành con rể trong gia đình, và người con trai mới đến giai đoạn ở rể chính thức. Chỉ có số ít, trong quá trình chung sống phát hiện ra những nhược điểm của nhau, không thể tiến tới hôn nhân được thì  chia tay mà không để lại điều tiếng gì cho cả nam và nữ.

Ông Tòng Văn Hịa còn cho biết thêm: “Con rể ngày xưa cũng khá vất vả, chẳng hạn như sáng sớm phải dậy trước khi bố mẹ vợ thức dậy, tranh thủ ra suối, nguồn nước đầu bản để gánh nước về nhà; chịu khó mài dao, mài cuốc để lên nương, lên rẫy trước mọi người. Thường sau bữa tối, con rể sẽ tìm việc để làm như chẻ lạt, chẻ đóm, đan lát… và ngủ sau cùng nhất mọi thành viên trong nhà. Làm được vậy mới được coi là rể thảo”.

Ngày nay, đời sống hôn nhân của đồng bào Thái Tây Bắc ngày càng tiến bộ, nam nữ thanh niên đến tuổi kết hôn đều được tự do tìm hiểu, yêu đương, những thủ tục, nghi lễ rườm rà đã lược bỏ dần. Theo đó, tục “Khươi quản”, hay ở rể nhiều năm như trước hầu như không còn, nhưng bà con đều trân trọng, coi đó là một tục lệ tốt đẹp và nhân văn./.

Tòng Đức Anh/VOV-Tây Bắc