“Hai Lúa” mày mò làm gạo organic từ lúa tím, nếp cẩm

Nắm bắt thị trường đang có nhu cầu cao về loại gạo mang nhiều chất dinh dưỡng cải thiện sức khỏe như: Omega, vitamin, canxi… nhiều nông dân đã tham gia trồng gạo hữu cơ (organic). Nhưng để sống được bằng hạt gạo organic, hành trình còn lắm gian nan.

Khó khăn duy nhất của việc trồng lúa tím, nếp cẩm hiện nay là do lần đầu tiên chuyển đổi giống mới nhưng không sử dụng thuốc trừ cỏ nên nông dân phải tốn công nhổ cỏ. Bên cạnh đó, do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nền ruộng vẫn còn sót hạt giống cũ, lúa lộn nhiều nên hạt gạo thành phẩm chưa đồng nhất.

Theo ông Ân, những vụ mùa tới, những nhược điểm trên sẽ được cải thiện. Ông cho biết, HTX đã lên kế hoạch 4 năm chuẩn bị để có chứng chỉ công nhận gạo organic. Trong đó, hai năm rưỡi tập cho nông dân trồng theo quy trình an toàn, một năm rưỡi còn lại làm theo hướng hữu cơ và đạt chứng chỉ organic của… Việt Nam.

Tại huyện Vĩnh Hưng (Long An), ban đầu HTX Vĩnh Thuận có 9 thành viên với tổng diện tích là 75ha trồng lúa “theo hướng organic”. Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân – Giám đốc HTX Vĩnh Thuận kể, ban đầu, HTX phải vận động từng hộ nông dân để họ thay đổi tư duy sản xuất cũ và chuyển dần sang sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao để làm hạt gạo sạch chỉ sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học.

“Hiện nay Vĩnh Thuận có 75 thành viên với tổng diện tích sản xuất là 513ha. HTX đã đăng ký thương hiệu cho 2 sản phẩm gạo hữu cơ là Gạo hữu cơ và Gạo thơm Hương cốm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc… Bây giờ, gạo của Vĩnh Thuận không đủ cung ứng cho thị trường” – bà Ngân cho biết.

Vụ đông xuân 2019-2020 là năm thứ 3 Vĩnh Thuận trồng lúa tím theo hướng organic. Vụ này HTX chỉ trồng được 2ha lúa hữu cơ vì đầu ra còn khó khăn. “Một năm tính luôn 2 vụ lúa, HTX chỉ làm được chục tấn gạo hữu cơ bán tại cửa hàng và vài mối ở các tỉnh” – bà Ngân bộc bạch.

Chứng nhận organic kiểu Việt Nam?

Nếu đúng quy trình, muốn làm gạo hữu cơ phải chọn khu đất biệt lập, chưa canh tác bằng hóa chất, đánh giá mẫu nước, đất… để được công nhận organic trên vùng đất này. Tại Việt Nam, theo ông Ân, các quy định về làm gạo organic thoáng hơn. “Khi thử mẫu gạo, các tổ chức chứng nhận lưu tâm đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng” – ông Ân nói thêm.

Về việc chứng nhận gạo hữu cơ, ông Ân cho rằng, không nhất thiết phải làm theo chuẩn organic thế giới. “Tôi nghĩ, sắp tới Việt Nam cũng chứng nhận được. Chỉ làm theo chuẩn gạo hữu cơ mà Việt Nam chứng nhận là có thể kinh doanh được với thị trường Việt Nam” – ông Ân nêu quan điểm.

Bà Ngân cũng cho biết, Vĩnh Thuận đang chuẩn bị làm chứng nhận gạo hữu cơ. “Tôi chờ Phòng NNPTNT huyện hướng dẫn. Tôi chưa biết nên chọn tổ chức nào chứng nhận” – bà Ngân giãi bày.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ đang xây dựng bộ quy chuẩn để chứng nhận gạo hữu cơ trong nước: “Dù xây dựng thế nào, bộ quy chuẩn này cũng phải tuân thủ theo quy định toàn cầu. Nhìn chung, các tổ chức chứng nhận quốc tế hiện nay đều có bộ quy chuẩn chứng nhận sản phẩm hữu cơ hao hao”.

Theo đại diện một doanh nghiệp tầm cỡ đang sản xuất và thu mua gạo hữu cơ, nhiều sản phẩm gạo hữu cơ sản xuất tại Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu… đáp ứng các tiêu chuẩn tại các thị trường khó tính với quy trình kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tiêu chuẩn kiểm định xay xát theo tiêu chuẩn US No.1 – US No.3 của Mỹ.

Phó Cục trưởng Lê Thanh Tùng cho biết thêm: “Việt Nam đang mời các tổ chức quốc tế vào để hỗ trợ chứng nhận cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước làm sản phẩm hữu cơ. Các doanh nghiệp, tổ chức và nông dân phải tự khẳng định chất lượng sản phẩm gạo của mình đã đạt chuẩn organic không. Còn việc tổ chức quốc tế hay Việt Nam chứng nhận chỉ là yếu tố phải có để bảo chứng cho sản phẩm. Quy trình, quy chuẩn chứng nhận đều hướng tới chất lượng như nhau”.

Trần Đáng – Dân Việt