Việt Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp trải dài từ Bắc vào Nam. Thế nhưng dù có những phong cảnh tươi đẹp nhưng tiềm năng du lịch lại không thể phát huy hết hiệu quả khi khả năng quảng bá du lịch còn yếu.
Khách du lịch sau khi đến mỗi nơi ngoài cảnh quan đẹp ra thì không có nhiều ấn tượng khác khi ngay cả những món đặc sản đặc trưng của vùng cũng trở nên khó tìm và không phải ai cũng biết.
Ẩm thực đặc trưng chỉ có ở quán cóc
Ẩm thực của Việt Nam hết sức phong phú, mỗi món ăn của mỗi vùng miền lại có cách chế biến riêng, khẩu vị đặc trưng. Người miền Bắc thường thích những món ăn thanh đạm, nhẹ nhàng và có vị chua nhẹ nên các món ăn cũng không đậm các vị cay, béo, ngọt như các vùng miền khác.
Đồ ăn miền Trung thì lại nhiều vị cay và mặn hơn. Thêm vào đó, màu sắc cũng được phối trộn phong phú, rực rỡ thiên về màu đỏ và nâu sậm.
Trong khi đó, ẩm thực miền Nam lại ngọt và béo do sử dụng thêm đường và cốt dừa. Thế nhưng dù ẩm thực đa dạng song nhiều địa phương lại không biết phát huy những cái tinh hoa của đặc sản và biến nó trở thành điểm hấp dẫn các du khách.
Muốn ăn đặc sản thì hoặc là du khách phải chịu khó tìm hiểu trên mạng địa chỉ trước hoặc hỏi qua các mối lái nhưng thông thường, khách đều bị chỉ dẫn tới những nhà hàng sang trọng, đắt tiền trong khi những món ăn ngon đặc trưng vùng miền lại thường bắt nguồn từ những quán nhỏ, thậm chí là quán cóc ven đường.
Bánh canh ngon nhất chính là ở những quán bình dân. Ảnh: vietnamhoinhap
Món ăn ngon nổi tiếng nhưng khó tìm
Còn với những du khách đến với Hà Nội, hầu như ai cũng có câu hỏi: ăn bún ốc ở đâu, bún thang chỗ nào ngon…? Với bún thang là món ăn đặc trưng chứa đựng vô vàn nét tinh túy của ẩm thực Hà thành, thế nhưng không phải ở đâu tại Hà Nội cũng có thể thưởng thức món ăn này.
Số lượng quán bán bún thang “chính hiệu” này rất ít ỏi và nếu như du khách không tra cứu, tìm tòi chia sẻ các kinh nghiệm ăn uống ở các báo, diễn đàn hoặc quen được dân Hà Nội sành ăn thì khó lòng có thể tìm ra những địa chỉ bán bún thang ngon.
Tương tự với phở – món ăn được coi là hồn túy của thủ đô, du khách có thể bắt gặp quán phở ở khắp mọi nơi, trên mọi nẻo phố, thế nhưng quán phở ngon được người dân Hà Thành truyền tai nhau lại thường ở những con phố nhỏ, hay những cửa hàng khá sập xệ, thậm chí là quán gánh rong. ví như quán phở Thìn Bờ Hồ hay phở gánh Hàng chiếu….
Trong khi đó, ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) với bờ biển đẹp, mỗi năm đều hút nhiều du khách tới vui chơi, nghỉ mát. Thế nhưng ở địa phương này ngoài nem chua ra thì du khách khó lòng tìm thêm được món đặc sản khác.
Trông người lại ngẫm đến ta
Chỉ cần nhìn sang nước Nhật, Singapore nơi không có “rừng vàng biển bạc”, nhưng du lịch của họ phát triển khiến ai đi về chỉ muốn quay lại đi tiếp. Họ không chỉ biết giữ gìn cảnh quan đẹp mà còn biết tận dụng tối đa những ưu điểm khác như nền ẩm thực phong phú để thu hút du khách.
Thành phố Osaka là một trong những điểm đến hấp dẫn của Nhật Bản với những ngôi đền, chùa cổ kính cùng những món ăn hấp dẫn. Takoyaki (hay còn gọi là bánh bạch tuộc nướng) là món ăn đã trở thành đặc sản, biểu tượng của Osaka, thậm chí người dân nơi đây còn lập nên một bảo tàng về loại bánh này.
Thêm vào đó, tại bất kỳ ngõ hẻm nào ở Osaka, du khách cũng có thể thưởng thức được món ăn này mà không phải kỳ công đi hỏi han tìm tòi. Điều đặc biệt hơn nữa là với món ăn này, du khách không quá cầu kỳ mà lại thích ăn ở lề đường.
Ngoài Takoyaki, Osaka còn là quê hương của các món ăn nổi tiếng khác như okonomiyaki, lẩu tecchiri, lẩu shabu shabu, sushi hakozushi… Chính vì vậy mà khi du khách tới đây không chỉ muốn tham quan mà còn thích khám phá cuộc sống với những món đặc sản bình dị.
Thế mới thấy, du lịch Việt Nam mới chỉ chủ yếu dựa vào cảnh quan thiên nhiên để hấp dẫn du khách nhưng lại khó lòng níu giữ họ ở lâu khi không phát huy được tối đa nét tinh hoa của ẩm thực Việt và phong cách phục vụ vẫn còn yếu kém.
Việt Nam có một bờ biển dài hơn 3.400km nhưng lại không phát huy hết tiềm năng của du lịch biển. Ngoài tắm biển, chụp lại những phong cảnh tươi đẹp thì du lịch biển Việt Nam vẫn thiếu vắng những sản phẩm đặc trưng khiến du khách không biết sẽ đi đâu, làm gì, ăn gì và không để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.
Thậm chí, đến quà lưu niệm, điều khiến du khách nhớ về cảnh quan du lịch cũng là hàng Tàu và ở đâu cũng giống nhau, nói gì đến ẩm thực đòi hỏi cả một nền văn hoá truyền thống dân tộc đi kèm, thấm đẫm trong món ăn mới tạo nên “miếng ngon nhớ mãi”.
Chỉ cần nhìn vào những khu du lịch hút khách khiến mùa đông cũng có người đi biển, quanh năm đông đúc khách đến lưu trú là đủ hiểu người biết làm du lịch sẽ kinh doanh ra sao, chứ không chỉ “chộp giựt” theo mùa . Mà nơm nớp làm ăn theo vụ với cái tâm không yên làm sao nấu được một món ngon chứ đừng mơ đến cao xa phong cách hay hồn vía di sản.
Long Ng
Theo Báo Thể Thao Việt Nam