Mấy hôm nay, mọi người xung quanh tôi cứ “sôi sùng sục” vì chuyện giá vàng. Hai ngày trước, giá vàng tăng 1,4 triệu đồng lên mức xấp xỉ 53 triệu đồng/lượng đã gây sốc lắm rồi. Hôm qua, con số này lên gần 54 triệu và hôm nay vượt quá 55 triệu đồng.
Cả nhà bảo nhau, cứ đà này có khi “nó” còn lên đến mức 60 triệu đồng mất. Ai nấy lại xuýt xoa tiếc, giá mua vàng từ đầu năm có phải lãi đến 10 triệu đồng/lượng rồi không? Cô em dâu bảo, em có hơn 200 triệu, thế mà cho vào trái phiếu hết rồi, tiếc đứt cả ruột. Nghe thế, mẹ chồng tôi cười: “Các con cứ thích đầu tư lớn mà chả thấy tiền đâu. Cứ nhặt nhạnh mua nửa chỉ hay một chỉ như mẹ mà lại có”.
Mặc dù cũng biết vàng để từ năm này qua năm khác thì có tăng giá trị nhưng cả mấy anh em đều nghĩ, mua vàng hay đô hay gì đó để đầu tư hay tích lũy thì phải ra tấm ra món mới làm, chứ vài ba triệu bõ bèn gì. Thế nên chúng tôi hay trêu chọc bà về chuyện “mua vàng bỏ ống bơ đêm lôi ra ngắm”. Nói là trêu nhưng số vàng bà tích được qua nhiều năm nếu cho vào ống thì cũng đầy có ngọn. Giờ thì ai cũng phải công nhận bà nhìn xa trông rộng.
Đôi khi giá cả lên xuống rõ rệt quá thì bà cũng lướt sóng kiếm chút đỉnh, nhưng nếu bỏ lỡ cơ hội bán lúc giá vàng đang ở đỉnh cao thì bà cũng thôi, không tiếc, tinh thần vẫn là mua vào khi có tiền. Bà bảo vàng là cách giữ tiền an toàn nhất, không sợ mất giá. Còn tôi thì coi thói quen mua vàng của bà là cách tiết kiệm rất hiệu quả, bởi số tiền mà những người trẻ coi là nhỏ, không đáng để cất dành thì bà biến nó thành vàng và tăng giá trị qua nhiều năm.
Tôi chẳng có số tiền lớn để tiếc rẻ rằng tại sao không mua vàng lúc giá còn thấp để bây giờ ăn lãi đậm. Có điều, dịp vàng tăng giá đắt nhất lịch sử này khiến câu chuyện mua vàng của mẹ chồng được khơi lại, tôi thực sự nghiêm túc nghĩ về chuyện bắt chước bà, mỗi tháng hoặc thỉnh thoảng mua nửa chỉ, một chỉ để dành, không chừng 15-20 sau cũng có tài sản tích lũy kha khá./.