Đây sẽ là một tuần lễ đáng nhớ và bận bịu đối với Greta Thunberg.
Trước hết, vào thứ 4 vừa qua, cô gái 16 tuổi người Thụy Điển này đã được đề cử Nobel Hòa Bình vì những hoạt động hướng đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu của mình.
Tiếp đó, vào thứ 6, một cuộc biểu tình do Greta phát động sẽ diễn ra trên toàn thế giới, khi hàng chục nghìn người trẻ tuổi sẽ đổ xuống đường tuần hành ở 112 nước nhằm kêu gọi hành động chống lại sự biến đổi khí hậu.
Thunberg viết trên Twitter rằng cuộc biểu tình vì khí hậu này sẽ diễn ra ở hơn 1700 địa điểm trên toàn cầu.
Cô đã vận động và khuyến khích học sinh bỏ một buổi học để tham gia biểu tình, đòi hỏi phải có những hành động rốt ráo hơn về vấn đề biến đổi khí hậu, một phong trào đã lan rộng ra ngoài biên giới Thụy Điển đến nhiều quốc gia Châu Âu khác.
Phong trào tổng thể mà Greta phát động có tên là “Thứ Sáu vì Tương lai” (Fridays For Future), bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái khi Thunberg ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển mỗi ngày trong 3 tuần liền để phản đối sự thiếu hụt những biện pháp và hành động nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.
“Chúng ta đang đối mặt với một thảm họa mà rất nhiều người phải gánh chịu nhưng rất ít người lên tiếng”, Thunberg phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng 1 vừa qua. “Giải quyết khủng hoảng khí hậu chính là thử thách lớn nhất và phức tạp nhất mà con người từng phải đối mặt”.
Theo những người tổ chức thì chỉ tính riêng tại Mỹ, khoảng 100.000 người trẻ được cho là sẽ tham gia và ít nhất 400 cuộc biểu tình riêng rẽ diễn ra ở 50 bang.
Những cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu trên hành tinh của chúng ta vẫn tiếp tục gióng lên.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ NASA cho biết 5 năm vừa qua chính là 5 năm nóng nhất kể từ khi có dữ liệu ghi lại bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Và lượng khí CO2 trong khí quyển – loại khí được cho là chịu trách nhiệm chính làm trái đất nóng lên – đã tăng lên đến mức báo động, chưa từng thấy trong hàng ngàn năm, và chắc chắn là trong hàng triệu năm trước đây.
Ngoài ra, như Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo vào tháng 10 năm ngoái, cần phải có “những sự thay đổi nhanh chóng, có ảnh hưởng lớn và chưa từng thấy trong mọi khía cạnh của xã hội” để chống lại những tác động nguy hại nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu”. Mục tiêu được đặt ra là giữ mức độ nóng lên ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) cao hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp, và điều này gần như là không thể trừ khi những động thái khẩn thiết và cấp bách được thực hiện.
Về giải Nobel Hòa bình, Thunberg viết trên Twitter rằng cô rất “vinh dự và biết ơn vì được đề cử cho giải thưởng này”. Các đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm nay được thực hiện bởi 3 nhà lập pháp người Na Uy và giải sẽ được trao và cuối năm.
Theo Trithuctrep