Người ta thường nói rằng, ở Pháp, mọi nẻo đường đều dẫn tới Bernard Arnault. Sở hữu khối tài sản ròng hơn 107,6 tỷ USD, vị tỷ phú được mệnh danh là “con sói trong chiếc áo cashmere” có một cuộc sống mà nhiều người mơ ước ở tuổi 70. Ông chính là chủ tịch của tập đoàn LVMH – nơi nắm giữ hàng loạt thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới: Louis Vuitton, Christian Dior, Fendi, Veuve Clicquot và Dom Pérignon.
Ngay đến cả thiên tài như Steve Jobs khi gặp Bernard Arnault cũng phải bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Anh biết mà, Arnault. Tôi không biết có còn ai dùng iPhone trong vòng 50 năm tới hay không, nhưng tôi chắc chắn rằng, mọi người sẽ vẫn uống rượu vang Dom Pérignon của anh.”
Người đàn ông dám nghĩ dám làm
Bernard Arnault sinh ra tại Roubaix, phía nam nước Pháp vào năm 1949. Ông tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư trước khi tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Ở tuổi 27, ông thuyết phục cha mình bán mảng xây dựng và tập trung vào bất động sản. Ông còn có tham vọng tiến vào thị trường Mỹ.
“Pháp thời bấy giờ rất bảo thủ. Bạn không thể làm điều này, nhất là ở cái tuổi đó. Khi ấy Arnault mới hơn 20. Rất hiếm người ở cái tuổi đó đưa ra những quyết định quan trọng như vậy,” Michael Burke – giám đốc điều hành của Louis Vuitton cho biết.
Thế nhưng, Arnault đã cho thấy tham vọng lớn của mình khi xin quyền kiểm soát công ty dệt may Boussac có quy mô lớn gấp 20 lần sản nghiệp của gia đình ông. Sau này, ông đã mua lại Dior và “hồi sinh” hoàn toàn thương hiệu này. “Dior khi đó là nhà mốt mà các quý bà Pháp sẽ mặc đi ăn trưa, chứ không phải nơi kiến tạo thời trang. Nó nhàm chán và an toàn, chẳng có gì thú vị cả,” tổng biên tập tạp chí Vogue nhận xét. “Arnault đã thay đổi tất cả.”
“Mọi người thường nghĩ cha tôi sống trong tòa tháp với một đống bảng biểu Excel và các con số. Tuy nhiên sự thật khác xa như thế. Mối quan tâm lớn nhất của ông ấy là gia đình. Dĩ nhiên là, cha tôi cũng ‘nghiện’ công việc. Ông ấy làm việc rất nhiều, nhưng ông ấy thấy vui vẻ với nó. Không quá nghiêm túc như mọi người vẫn nghĩ,” con trai Arnault – Antoine – chia sẻ.
Tài nhìn người, dùng người “thượng thừa”
Triết lý kinh doanh của Arnault là thuê những người vừa có tính sáng tạo, vừa có tính tổ chức: “Tôi tìm kiếm các kiến trúc sư sáng tạo để xây nên những tòa nhà, những căn hộ với mang đầy tính sáng tạo. Đó chính là điều đã làm nên thành công.”
Ông nói thêm: “Cũng chính công thức đó đã giúp tôi thành công với Dior. Bạn phải làm việc với những nhà phát minh, những nhà sáng tạo, những nhà thiết kế giỏi nhất, có khả năng giới thiệu sản phẩm và khiến người ta khao khát nó.”
Giỏi là vậy, nhưng có lúc Arnault cũng bị chỉ trích vì để quá nhiều các thương hiệu xa xỉ đang cạnh tranh nhau về cùng một nhà. “Tôi nhớ mọi người đã bảo rằng, quy tụ quá nhiều nhãn hàng như vậy là sai lầm. Rốt cuộc, nó lại thành công. Và trong vòng 10 năm qua, đối thủ nào cũng bắt chước chúng tôi, quả là một điều rất vinh dự,” vị tỷ phú 70 tuổi cho biết.
Người con trai Antoine nghĩ rằng ưu điểm lớn nhất của cha mình là biết cách làm việc với những người có đầu óc sáng tạo và để họ phát triển dưới trướng của mình. Đối với mỗi một thương hiệu, việc lựa chọn đúng nhà thiết kế là điều hết sức quan trọng, và Arnault đã thuê Clare Waight Keller cho Givenchy và Maria Grazia Chiuri cho Dior. “Tôi nhìn lại và nhận ra cách ông ấy điều khiển các nhà thiết kế của mình trên bàn cờ… người mà ông ấy muốn đem tới… thời điểm mà ông ấy muốn tạo sự đột phá… Thời trang là một ngành công nghiệp dựa vào sự thay đổi, và ông ấy hoàn toàn hiểu điều đó,” Wintour nhận xét.
Ngưỡng mộ Buffett và Jobs, luôn muốn mình là số 1
Bản thân Bernard Arnault đã là một người xuất chúng, vậy nên người mà ông ngưỡng mộ cũng phải tài giỏi và sáng tạo không kém – đó là Warren Buffett và Steve Jobs. Buffett là một nhà đầu tư dài hạn biết kiên định theo đuổi những ý tưởng khôn ngoan của mình, còn CEO quá cố của Apple lại có khả năng đem đến rất nhiều đổi mới cho thị trường. Arnault cũng muốn đem sự sáng tạo đó vào trong kinh doanh, muốn sản phẩm của mình vừa phải độc đáo, vừa có tính ứng dụng: “Công việc của tôi là giúp các nhà thiết kế hiểu rằng, thành công trong sáng tạo dựa phần lớn vào thành công của sản phẩm. Hãy sáng tạo, nhưng theo cách mà mọi người thích và mặc được.”
Đối với Arnault, hạnh phúc là được dẫn dắt đội ngũ của mình leo tới đỉnh vinh quang. “Tôi luôn thích đứng ở vị trí số 1,” ông nói. “Tiền bạc chỉ là kết quả. Tôi luôn dặn nhân viên rằng, đừng quá quan tâm tới lợi nhuận. Cứ làm tốt thì lợi nhuận sẽ tới. Tôi quan tâm tới việc thương hiệu sẽ phát triển ra sao trong 5-10 năm tới, chứ không phải lợi nhuận được bao nhiêu trong 6 tháng tiếp theo.”
Tất nhiên, dù giỏi đến đâu Bernard Arnault cũng có lúc phạm sai lầm. Vì nôn nóng, thiếu kiên nhẫn, ông đã từng bán đi một thương hiệu kém phát triển, để rồi tiếc nuối khi nó thành công sau này. Arnault rút ra lời khuyên: “Việc hiểu rõ kinh doanh và biết kiên nhẫn là điều hết sức quan trọng.”
Ngoài ra, vị tỷ phú người Pháp này cũng cho rằng kiên định là một yếu tố cần thiết. “Bạn cần có ý tưởng, nhưng chúng chỉ chiếm 20%. 80% còn lại phải bắt tay vào làm. Hãy lấy Facebook làm ví dụ. Nhiều người có ý tưởng giống vậy, nhưng chỉ mình Facebook trở thành hiện tượng vì họ biết thực hiện đúng cách.”
theo CNBC, Forbes