Suốt mười tuần liên tiếp, các cuộc biểu tình đã nhấn chìm trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, buộc những cửa hàng phải đóng cửa, gây gián đoạn giao thông công cộng và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.
Chi phí của cuộc hỗn loạn này đang thể hiện trong thu nhập của các công ty lớn, và danh sách đó ngày càng được nối dài. Disney, HSBC, Prada, Swatch và Cathay Pacific là những tên tuổi trong số các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng tồi tệ. Khi mà biểu tình không có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng đồng doanh nghiệp đang cảnh báo sẽ có nhiều hậu quả hơn từ các cuộc đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình.
Phát biểu vào hôm thứ Sáu, các quan chức Hồng Kông cảnh báo rằng sự gián đoạn này có thể có một tác động lâu dài hơn đối với nền kinh tế của thành phố này so với đợt bùng phát của virus SARS gây chết người hồi năm 2003, khiến ngành thương mại du lịch sinh lợi của nơi này bị giảm mạnh doanh thu. Hồng Kông vừa báo cáo quý tăng trưởng yếu nhất trong một thập kỷ.
“Nó không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng ‘trung tâm tài chính quốc tế’ của Hồng Kông, mà đến cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và quan trọng nhất là làm suy yếu sự an toàn và sinh kế của thường dân Hồng Kông”, Tổng thương hội Hồng Kông lên tiếng hồi đầu tuần trước.
Thành phố này hiện là “nhà” của bảy công ty trong nhóm Fortune Global 500, và hoạt động như một cơ sở châu Á cho nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng như các ngân hàng lớn, những tổ chức đánh giá cao hệ thống pháp lý và mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc đại lục của Hồng Kông.
Các công ty đã báo cáo “những hậu quả nghiêm trọng từ sự gián đoạn này”, bao gồm doanh thu bị mất, chuỗi cung ứng bị phá vỡ và đầu tư bị ngưng trệ, Phòng thương mại Mỹ tại Hồng Kông cho biết vào tháng trước.
Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng
Một số quốc gia đã cảnh báo công dân của họ về việc đi du lịch tới Hồng Kông, nơi sân bay quốc tế của thành phố này trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình, hàng trăm chuyến bay đã bị hủy và hàng ngàn công nhân ngành hàng không đã đình công.
Dữ liệu sơ bộ của chính phủ cho thấy số lượng du khách đã giảm trong tháng 7, với lượng khách đến giảm mạnh trong nửa cuối tháng, người phát ngôn của Tổng cục du lịch Hồng Kông nói với CNN Business.
Vào hôm thứ Tư vừa qua, Cathay Pacific, hãng hàng không hàng đầu của Hồng Kông, cho biết các cuộc biểu tình đã ảnh hưởng đến số lượng hành khách của họ vào tháng trước và đang tiếp tục “tác động xấu” đến việc đặt chuyến bay trong tương lai.
Những quan ngại đối với cả ngành du lịch đang gia tăng, khi các công ty du lịch cho rằng triển vọng của họ cho tháng 8 và tháng 9 “đã giảm đáng kể”, theo Hội đồng du lịch Hồng Kông.
Intercontinental Hotels cho biết trong tuần này rằng doanh thu trên mỗi phòng – một thước đo công nghiệp được sử dụng để đánh giá công suất phòng và giá phòng hàng ngày – đã giảm trong nửa đầu năm, một phần là do tranh chấp chính trị đang diễn ra.
Cả Marriott lẫn Disney đều nghĩ rằng việc kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nay.
“Tại Hồng Kông, chúng tôi đã thấy tác động từ các cuộc biểu tình. Rõ ràng là chúng rất ảnh hưởng”, CEO của Disney, Bob Iger, nói trong một cuộc gọi phân tích hôm thứ Ba.
“Mặc dù tác động không được phản ánh trong các kết quả mà chúng tôi vừa công bố, nhưng bạn có thể thấy rằng chúng tôi sẽ cảm nhận được nó trong quý này và chúng tôi sẽ xem các cuộc biểu tình diễn ra trong bao lâu”.
“Thương vong” trong ngành bán lẻ
Vào hôm thứ Năm, Swire Properties, một công ty phát triển bất động sản hiện sở hữu một số trung tâm mua sắm lớn, cho biết rằng các cuộc biểu tình của thành phố này đã có “một số ảnh hưởng” đến doanh số bán lẻ. Cổ phiếu của họ đã giảm hơn 3,5% vào hôm thứ Sáu.
Tháng 7 và tháng 8 thường đánh dấu một “mùa cao điểm” cho doanh số bán lẻ mùa hè và nếu các cuộc biểu tình tiếp tục, những chủ cửa hàng tin rằng “việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”, Annie Yau Tse, Chủ tịch Hiệp hội quản lý bán lẻ Hồng Kông, cho biết.
Hầu hết những công ty thành viên của hiệp hội này cho biết doanh số của họ đã “giảm một hoặc hai chữ số” kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 6, bà nói trong một tuyên bố gần đây.
Các thương hiệu xa xỉ toàn cầu là một trong số những công ty bị ảnh hưởng.
Trong một cuộc gọi thảo luận về tình hình tài chính tuần trước, Prada cho biết doanh số đã bị “tác động tiêu cực bởi tình trạng bất ổn xã hội ở Hồng Kông”, trong khi Richemont của Thụy Sĩ, chủ sở hữu của Cartier, lưu ý rằng doanh số ở Hồng Kông đã sụt giảm một phần do các cuộc biểu tình. Swatch, một nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ khác, đã chỉ ra “nhiễu loạn chính trị” là lý do đằng sau sự sụt giảm doanh số tại Hồng Kông.
“Niềm tin” đang lung lay
HSBC, một trong những ngân hàng lớn nhất của Hồng Kông, đã phải tạm thời đóng cửa một số chi nhánh địa phương vì các cuộc biểu tình.
Trong một cuộc gọi thảo luận về tình hình tài chính trong tuần này, Giám đốc tài chính (CFO) Ewen Stevenson cảnh báo rằng công ty có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn nếu khủng hoảng tiếp tục.
“Chúng tôi có mong đợi một số tác động trong nửa năm sau không ư? Vâng, chắc chắn sẽ có. Nếu tình hình hiện tại tiếp tục trong một khoảng thời gian kéo dài, nó sẽ tác động đến lòng tin”, ông nói.
Các cuộc biểu tình đang bắt đầu gây nguy hiểm cho hình ảnh “trung tâm kinh doanh toàn cầu” và “cửa ngõ ưa thích của Trung Quốc” của thành phố này, các chuyên gia đã cảnh báo.
Ví dụ, hiện tại Hồng Kông được xếp hạng tín dụng cao hơn Trung Quốc đại lục, nhưng điều này dựa trên “các tiêu chuẩn quản trị, luật pháp, khung chính sách và môi trường quản lý và kinh doanh khác biệt với Trung Quốc đại lục”, các chuyên gia phân tích Fitch Ratings gần đây cho biết.
Khả năng các nhà chức trách Trung Quốc có thể tìm cách quản chặt hơn trong những vấn đề Hồng Kông có thể đe dọa những khác biệt độc đáo này.
Nỗi đau đó có thể lan qua nền kinh tế địa phương. Tuần trước, chính phủ đã công bố dữ liệu GDP sơ bộ về cái mà họ gọi là hiệu suất kinh tế “không sáng sủa lắm” trong quý hai.
“Tôi không nghĩ rằng đây sẽ là một cuộc khủng hoảng ngắn hạn. Có vẻ như nó sẽ là một cuộc khủng hoảng trung hạn đến dài hạn”, Davide De Rosa, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Hồng Kông, nói.
theo CNN